Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Lấy cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm

VHO- Đặt chủ thể di sản là trung tâm trong các dự án phát triển văn hóa địa phương đã mang đến thay đổi rõ rệt về nhận thức giá trị di sản. Minh chứng cụ thể được đưa ra từ cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, với nghề làm gốm truyền thống. Từ việc “mạnh ai nấy làm”, những chủ thể của di sản ngày nay đã có thể tự thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách. Bản lĩnh cộng đồng cũng giúp gia tăng “kháng thể” để bảo vệ di sản của chính mình.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Lấy cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Anh 1

Nghệ nhân trẻ Đàng Tuất Khang được trao truyền kỹ thuật và đang hoàn thiện tác phẩm gốm Chăm vũ nữ Apsara Ảnh: TR.HUẤN

 Hội thảo “Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm” do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Hội đồng Anh phối hợp vừa tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Lấy cộng đồng làm trung tâm

Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Dona McGowan, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, với hàng loạt sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật và tri thức bản địa... Cùng với việc ngày càng có nhiều di sản được công nhận trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có chuyển biến tích cực theo chiều hướng mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

Chương trình di sản kết nối được Hội đồng Anh thực hiện những năm qua phần nào chứng minh di sản văn hóa theo nghĩa rộng có thể góp phần vào sự phát triển đồng đều và bền vững nếu được tiếp cận theo cách lấy con người làm trung tâm. Cách tiếp cận này đã mang đến thay đổi rõ rệt về nhận thức giá trị di sản. Minh chứng được đưa ra từ những thay đổi trong cách thức lan tỏa, bảo vệ giá trị di sản của chính những cộng đồng, chủ thể di sản. Đơn cử, với nghề làm gốm của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở VHTTDL Ninh Thuận) Phạm Văn Thành cho biết, trước đây, từng hộ gia đình thường mạnh ai nấy làm. Đến khi chương trình di sản kết nối được triển khai ở Ninh Thuận (năm 2018), người dân bắt đầu thay đổi. Họ không còn đơn thuần làm gốm theo kỹ thuật xưa mà còn có thể thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Lấy cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Anh 2
 

 Nghệ nhân Trương Thị Gạch (80 tuổi, Ninh Thuận) hướng dẫn kỹ thuật làm gốm Chăm cho du khách

“Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc. Khi họ có cách nhìn mới về di sản, được củng cố vai trò và chủ động trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản chính là cách gia tăng giá trị của di sản. Đơn cử với nghề gốm, giờ đây, chính đồng bào Chăm đã đưa ra những cách thức khác nhau để chia sẻ, lan tỏa văn hóa theo cách riêng”, ông Thành nói. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.

Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. “Điều đó cho thấy sự ghi nhận về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và sự đóng góp của di sản vào phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. Những quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích bảo vệ di sản sống; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản đã được quy định rõ ràng trong luật, góp phần để cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và cũng ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản…”, bà Hiền nhấn mạnh. Cũng theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó, khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

“Vì vậy, để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…”, bà Hiền nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn kinh tế học di sản

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản văn hóa), những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện thuật ngữ khoa học “kinh tế học di sản” như một xu thế mới trong nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng tạo ra sự trao đổi học thuật sôi nổi theo cả hai chiều thuận và nghịch. Đây có lẽ là một trong các nỗ lực đưa di sản gắn liền với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Hầu như ở các quốc gia trên thế giới, ngoài các dự án phát triển, người ta bắt đầu quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dưới góc nhìn di sản đô thị và kinh tế học di sản.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Lấy cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm - Anh 3

 Các nghệ nhân ở vùng Tây Nguyên thực hiện nghi lễ truyền thống

“Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Đồng thời, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối. Những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội...”, bà Trang khẳng định. Các chuyên gia nhấn mạnh, khi cộng đồng được tăng cường hiểu biết, đưa ra ý tưởng xây dựng và thực hiện các hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ mang đến tương lai tốt đẹp cho di sản. Hơn thế, việc tham gia trực tiếp của cộng đồng cũng tạo ra những cơ hội mới, giúp chính họ được hưởng lợi, cải thiện sinh kế. Các dự án di sản kết nối của Hội đồng Anh những năm qua đã hỗ trợ cho các làng nghề như gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp của người Chăm Ninh Thuận hay dự án phục hồi di sản thuyền độc mộc và không gian cồng chiêng của người Jarai... đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho di sản và cho chính đời sống của cộng đồng.

Theo TS Phạm Cao Quý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ con người, tạo ra các điều kiện để con người, gồm các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng có điều kiện tốt, phù hợp nhất để thực hành di sản mà họ đang nắm giữ. Đồng thời, các chính sách gắn với di sản được xây dựng và thực hiện đều phải dựa trên việc lấy con người làm trung tâm. Từ thực tiễn làm việc với các đối tác ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trưởng ban dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều (Hội đồng Anh) Nikki Locke lưu ý mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển, giữa bảo lưu truyền thống với bối cảnh mới của kinh tế, xã hội. Bởi lẽ, nói đến di sản là nói đến giá trị của quá khứ để truyền tới tương lai, thông qua bảo tồn các thực hành, nhất là những di sản đang có nguy cơ biến mất. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến người đang nắm giữ, thực hành di sản. Bà Nikki Locke nhấn mạnh: “Họ thật sự muốn gì? Họ muốn giữ lại, muốn phát triển, muốn mang gì vào tương lai? Những câu hỏi này rất quan trọng. Phương pháp lấy con người làm trung tâm được đặt ra để giải quyết vấn đề đó”.

Các chuyên gia cũng lập luận, phân tích để lưu ý các cộng đồng chủ thể di sản trong việc nâng cao nhận thức, bản lĩnh trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, việc lâu nay vẫn được cho rằng chủ yếu là trách nhiệm của các tổ chức bên ngoài cộng đồng, chẳng hạn như cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ. Điều này cũng chỉ ra, một cộng đồng có bản lĩnh là cộng đồng biết sử dụng, phát huy hiệu quả di sản của mình trong đời sống, đồng thời cũng biết bảo vệ di sản của mình trước mọi tác động từ bên ngoài. 

 Họ thật sự muốn gì? Họ muốn giữ lại, muốn phát triển, muốn mang gì vào tương lai? Những câu hỏi này rất quan trọng. Phương pháp lấy con người làm trung tâm được đặt ra để giải quyết vấn đề đó.

(Trưởng ban dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều, Hội đồng Anh NIKKI LOCKE)

PHƯƠNG ANH; ảnh: TR.HUẤN

Ý kiến bạn đọc