Chuẩn bị “hoán đổi” nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng và căn nhà số 9 liền kề

VHO- Liên quan đến căn nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM (di tích lịch sử quốc gia), thông tin từ Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, đơn vị chuẩn bị tổ chức nghiệm thu và bàn giao nhà số 9 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM cho gia đình ông Ngô Văn Lập quản lý, sử dụng. Được biết, đây là căn nhà được TP.HCM đồng ý hoán đổi theo nguyện vọng của gia đình.

Chuẩn bị “hoán đổi” nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng và căn nhà số 9 liền kề - Anh 1

Căn nhà số 9 Lý Chính Thắng hiện đã hoàn tất công tác cải tạo, sửa chữa để chuẩn bị bàn giao cho gia đình ông Ngô Toại và các con cháu vào ngày 9.12 tới đây

 Theo Kế hoạch số 3730/KH-BTL do Bộ Tư lệnh TP.HCM ban hành ngày 30.11, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị nghiệm thu hoàn thành và bàn giao nhà số 9 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM cho gia đình đưa vào sử dụng vào ngày 9.12. Thành phần tham dự hội nghị gồm Thành ủy, UBND TP, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Cty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP, đại diện chính quyền địa phương và gia đình ông Ngô Văn Lập.

Chia sẻ với phóng viên Văn Hóa, ông Ngô Văn Lập, đại diện gia đình vui mừng cho biết sau rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị và chờ đợi, đến nay gia đình đã được lãnh đạo các cấp và TP.HCM quan tâm, chỉ đạo giải quyết nguyện vọng là được hoán đổi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng (nhà di tích) với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng, quận 3 (thuộc sở hữu Nhà nước, đang để trống); đồng thời Nhà nước hỗ trợ thêm cho gia đình 5 tỉ đồng để sửa chữa lại nhà số 9 Lý Chính Thắng nhằm ổn định cuộc sống… Đối với căn nhà số 9 Lý Chính Thắng, trước khi tiến hành bàn giao cho gia đình, UBND TP phối hợp cùng UBND quận 3, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP thi công sửa chữa theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hiện công tác sửa chữa, cải tạo căn nhà đã hoàn thành. “Trong Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại buổi họp vừa qua cũng đã tạm giao nhà số 9 Lý Chính Thắng cho gia đình quản lý trong thời gian chờ đợi bàn giao chính thức”, ông Lập cho biết.

Trước đó, để giải quyết kiến nghị của gia đình ông Ngô Toại và bà Trần Thị My (hiện đã mất, người đại diện gia đình trực tiếp quản lý căn nhà số 7 Lý Chính Thắng là ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại) về việc được tiếp nhận nhà đất số 9 đường Lý Chính Thắng để ở, ngược lại nhà nước tiếp nhận nhà đất số 7 đường Lý Chính Thắng để làm di tích lịch sử cấp quốc gia, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung: UBND TP lập thủ tục thu hồi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng để quản lý theo diện nhà di tích; việc bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Ngô Toại và bà Trần Thị My thực hiện theo giá thị trường theo quy định pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định đối với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng cho gia đình ông Ngô Toại và bà Trần Thị My theo giá thị trường. Phần trị giá chênh lệch cao hơn giữa giá bán nhà đất số 9 Lý Chính Thắng và giá trị bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng, ngân sách Đảng bộ TP.HCM sẽ nộp thay cho gia đình. Đồng thời, ngân sách Đảng bộ TP.HCM hỗ trợ 5 tỉ đồng cho hộ gia đình để cải tạo, sửa chữa nhà và hỗ trợ ổn định cuộc sống.

Tọa lạc tại số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM (địa chỉ cũ là số 7 Yên Đỗ), tiệm phở Bình nức tiếng Sài Gòn (của vợ chồng ông Ngô Toại) ngày ấy đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6, là nơi tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Năm 1988, “địa chỉ đỏ” này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử. Theo hồ sơ di tích, nhà số 7 Lý Chính Thắng có hai khu vực bảo vệ: Khu vực bảo vệ I có diện tích 80m2; Khu bảo vệ II có diện tích 240m2 phạm vi là hai căn nhà liền kề. Hiện nay, nhà di tích số 7 Lý Chính Thắng vẫn do gia đình ông Ngô Toại trực tiếp quản lý và sử dụng với 3 hộ gia đình đăng ký thường trú, cư ngụ tại đây, là các con, cháu của ông Ngô Toại và bà Trần Thị My. Hiện trạng nhà di tích gồm 4 tầng: Trệt, lửng, ba lầu, sân thượng. Gia đình tiếp tục sử dụng tầng trệt làm tiệm phở (phở Bình); tầng 2 bố trí làm nơi trưng bày bổ sung tại di tích sau khi di tích được xếp hạng; nơi ở và sinh hoạt của gia đình bố trí tại lửng, một phòng nhỏ ở tầng 2 và toàn bộ tầng 3 và tầng 4.

Trước đó, vào tháng 10.2022, Đoàn công tác của Sở VHTT TP.HCM do Giám đốc Trần Thế Thuận làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại di tích. Giám đốc Sở VHTT TP cho biết sẽ liên hệ với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề nghị hỗ trợ, phối hợp trong công tác phục dựng để di tích giữ được nét trung thực vốn có từ xưa. Qua đó, di tích sẽ tạo được một không gian đủ để gợi lại ký ức của cơ sở cách mạng trước đây, để các thế hệ đến tham quan, tìm hiểu có thể hình dung được một địa điểm ghi dấu mốc lịch sử quan trọng của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

Câu chuyện chủ nhà của di tích lịch sử quốc gia Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM từng nhiều lần viết đơn muốn trả lại bằng xếp hạng đến đây đã khép lại với cái kết thật sự có hậu. Hiện công tác sửa chữa, cải tạo căn nhà đã hoàn thành, chỉ còn vài hôm nữa sẽ bàn giao cho gia đình. Ông Ngô Văn Lập cho biết bản thân ông và gia đình mong từng ngày căn nhà số 9 Lý Chính Thắng được sửa chữa nhanh để gia đình có thể dọn qua, trả lại căn nhà di tích được trọn vẹn nhằm phục vụ tham quan, phát huy các giá trị của di tích lịch sử cách mạng này. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc