Xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số
VHO - Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, trong thời gian vừa qua, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Thư viện tỉnh triển khai dự án hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng gồm có 77 xã khu vực III, khu vực II, khu vực I.
Đây chính là những xã được thụ hưởng các chính Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Mục tiêu của Dự án nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả, hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Triển khai thực hiện Dự án, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng giao cho Thư viện Lâm Đồng là đơn vị đầu mối trực tiếp triển khai thành lập và bàn giao tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện sự chỉ đạo theo kế hoạch, Thư viện Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức bàn giao tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây, cuối tháng 7.2024 vừa qua, Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức bàn giao tủ sách cộng đồng “Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025” tại 15 xã thuộc các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng.
Dự lễ bàn giao có lãnh đạo các ngành, đoàn thể; Trưởng phòng Phòng văn hóa huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng; Lãnh đạo Thư viện Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng; đại diện UBND các xã Đinh Trang Hòa, xã Gia Bắc, xã Sơn Điền, xã Đinh Trang Thượng, xã Gia Hiệp, xã Gung Ré, xã Đạ Đờn, xã Phi Tô, xã Tân Thanh, xã Đan Phượng, xã Phúc Thọ, xã Đạ Quyn, xã Tà Năng, xã Tà Hine, xã N’Thôn Hạ.
Được biết, từ năm 2022 đến năm 2024, các cơ qun chức năng tỉnh Lâm Đồng đã bàn giao 47 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, năm 2022 đã xây dựng thí điểm 5 tủ sách tại 5 xã của Đà Lạt và huyện Đơn Dương; năm 2023 xây dựng 27 tủ sách tại 27 xã của các huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đam Rông; năm 2024 xây dựng 15 tủ sách tại 15 xã của các huyện Di Linh, Lâm Hà và Đức Trọng.
Mỗi tủ sách được xây dựng gồm 1 tủ đựng sách và gần 300 bản sách với tổng kinh phí trang bị là 30 triệu đồng/tủ sách. Tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với văn hóa đọc xây dựng xã hội học tập, từ đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, Thư viện Lâm Đồng đã lựa chọn các loại sách phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, trang bị, xây dựng các tủ sách thêm phong phú nhiều thể loại, nội dung tủ sách hướng đến thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, hôn nhân, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số;
Giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở...;
Các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số; các chủ đề khác có liên quan đến các dân tộc thiểu số phù hợp với đối tượng thụ hưởng.
Sách hỗ trợ chủ yếu là chính trị, xã hội, pháp luật, đời sống, khoa học, văn hóa, y tế, thiếu nhi, nông nghiệp, các loại sách hướng dẫn về trồng trọt và chăn nuôi... phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi bàn giao tủ sách, cán bộ Thư viện Lâm Đồng đã trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách cách quản lý, sử dụng tủ sách, giúp bà con nhân dân tiếp cận hiệu quả nguồn tài liệu trực tiếp.
Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, tạo môi trường xây dựng văn hóa đọc và học tập suốt đời, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - Xã hội khó khăn.
Từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, góp phần đưa văn hóa đọc trên địa bàn được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đồng thời qua đó nhằm giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc về bản, làng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, để tủ sách cộng đồng thêm đa dạng và phong phú về nguồn tài nguyên thông tin, Thư viện Lâm Đồng sẽ thực hiện luân chuyển sách hàng quý làm cho nguồn tài liệu luôn được đổi mới có giá trị cả lý luận và thực tiễn để phù hợp với nhu cầu của người dân.
Qua đó góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng rằng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ vui hơn khi được tiếp cận với món ăn tinh thần này, để từ đó là nguồn động lực thay đổi cách suy nghĩ, cách làm đạt kết quả tốt hơn trong ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.
Được biết, cùng với xây dựng tủ sách cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng còn tổ chức các hoạt động khác trong Dự án 6 như bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch thông qua phục dựng các lễ hội.
Hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lưu truyền, phổ biến, tổ chức hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống tại các huyện: Cát Tiên, Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc...
Bên cạnh đó, tỉnh còn tiến hành nghiên cứu những loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, sưu tầm những hiện vật có giá trị trong việc lưu truyền, quảng bá các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người K’ho, M’nông,… tại xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ Mrông, huyện Đam Rông. Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng; Hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện: Cát Tiên, Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Ngoài ra, còn tổ chức các hội thi thể thao dân gian đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đam Rông, Đơn Dương và hội thi cấp tỉnh.
Thông qua việc tích cực triển khai các hoạt động trong Dự án 6 đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lâm Đồng; nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.