Huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng:

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực

THÀNH KHIÊM

VHO - Là địa phương có đông người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, thời gian qua Chính quyền và Nhân dân huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội và đã thu được những kết quả tích cực...

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực - ảnh 1
Nghề truyền thống của đồng bào được bảo tồn, phát triển

Bảo Lâm là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên hơn 146 ngàn ha, được chia thành 14 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn trực thuộc. Phía Bắc giáp với huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông); Phía Nam giáp huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận); Phía Đông giáp huyện Di Linh và phía Tây giáp thành phố Bảo Lộc cùng 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai.

Dân số toàn huyện khoảng hơn 122 ngàn người; trong đó, đồng bào DTTS gần 39,5 ngàn người, chiếm 32,32%, gồm 25 dân tộc anh em, được phân bố ở tất cả các xã, thị trấn. Trong đó, dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 80% - chủ yếu là dân tộc Mạ và dân tộc Cơ ho.

Thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Trong những năm qua, các cấp Chính quyền và Nhân dân huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và đã thu được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân. Đồng thời, góp phần đảm bảo và giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực - ảnh 2
Nhiều chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào DTTS tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Đặc biệt trong đó là việc thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về Giảm nghèo bền vững, Xây dựng Nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội, Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở...

Cụ thể, Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2024, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Theo đó, năm 2019 hộ nghèo và cận nghèo là người đồng bào DTTS là 1.317hộ, chiếm tỉ lệ 16%; thì đến năm 2024, tỉ lệ này giảm còn 9,64 % với khoảng 1.060 hộ.

Đối với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động Nhân dân đóng góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới với tổng vốn giai đoạn 2019-2024 đạt 9.953  tỉ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án là 1.686 tỉ đồng; vốn người dân đóng góp là 2.886 tỉ đồng. Ngoài ra còn có vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh 5.267 tỉ đồng; vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, HTX là 114 tỉ đồng…

Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, riêng thị trấn Lộc Thắng đã đạt chuẩn văn minh đô thị. Ngoài ra, xã Lộc An cũng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực - ảnh 3
Các chương trình MTQG được thực hiện đồng bộ, nhằm hỗ trợ vốn để người dân phát triển kinh tế

Về Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội, huyện cũng đã thực hiện khá tốt trong những năm qua. Trong giai đoạn 2022-2024, huyện Bảo Lâm được phân bổ nguồn vốn với kinh phí hơn 68 tỉ đồng để thực hiện các dự án của Chương trình. Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt hơn 32 tỉ đồng; vốn sự nghiệp đã được phân bổ hơn 36 tỉ đồng. Hiện nay, địa phương đã giải ngân được hơn 27,5 tỉ đồng...

Với số vốn được phân bổ, thời gian qua huyện đã tập trung triển khai hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở kiên cố.

Ngoài ra, nguồn vốn còn được sử dụng trong các vấn đề tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và địa bàn sinh sống, ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; bảo vệ môi  trường và củng cố an ninh, quốc phòng…

Ngoài các chương trình MTQG đã và đang được triển khai, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt tại vùng DTTS.

Tập trung phát triển toàn diện vùng DTTS

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà địa phương cần giải quyết trong thời gian tới trong vấn đề phát triển vùng đồng bào DTTS.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực - ảnh 4
Người dân được quan tâm chăm sóc sức khoẻ

Cụ thể, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào DTTS còn ở quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp; Kết quả giảm nghèo chưa thật vững chắc, có nguy cơ tái nghèo; Kết cấu hạ tầng ở một số thôn vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ; Tình trạng chuyển nhượng đất trái phép trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn ra; Vấn đề lấn chiếm đất lâm nghiệp, tranh giành, khiếu kiện về đất đai vẫn còn…

Theo ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, hiện nay địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết những hạn chế, tồn tại đang vướng phải.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hoàn chỉnh, chuẩn hóa; tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Thảo thông tin thêm.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả tích cực - ảnh 5
Nhiều đổi thay ở vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm

Nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu được đưa ra gồm: tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, tạo ra chuỗi liên kết các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp giữa các doanh nghiệp với nông dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mở rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo, tập trung định canh định cư, thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của vùng dân tộc với bình quân của huyện.

Huy động các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, đường nội đồng phục vụ sản xuất và các tuyến đường cấp thiết khác.

Thực hiện nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng tái diễn trên địa bàn…