Nghệ nhân gốm Chăm: Đôi tay trần giữ hồn di sản UNESCO

KHẢI HƯNG

VHO - Trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, công chúng Thủ đô được dịp chiêm ngưỡng nghệ nhân Chăm tài hoa tạo tác nên sản phẩm gốm độc bản, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế và thấm đẫm văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân gốm Chăm: Đôi tay trần giữ hồn di sản UNESCO - ảnh 1
PGS.TS Trương Văn Món giới thiệu về sản phẩm độc đáo của quê nhà

"Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022. Vì vậy, bên cạnh niềm tự hào di sản văn hóa thế giới là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy.

Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những nỗ lực nhằm tạo sức sống mới cho di sản này.

Tại chương trình, công chúng Thủ đô được tận mắt chứng kiến nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) tạo tác nên sản phẩm hoàn toàn thủ công, chỉ dựa trên đôi bàn thay khéo léo của người phụ nữ. Có chăng chỉ sử dụng thêm vài vật dụng rất thô sơ như tấm vải, vỏ sò, vòng tre… để trang trí, tạo hình. Điểm làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm ở làng Bàu Trúc là không sử dụng bàn xoay, nghệ nhân vừa nhào nhặn vừa giật lùi quanh sản phậm để tạo hình. 

Nghệ nhân gốm Chăm: Đôi tay trần giữ hồn di sản UNESCO - ảnh 2
Hai nghệ nhân người Chăm đến từ làng Bàu Trúc dùng tay không tạo tác sản phẩm gốm

Làng gốm Bàu Trúc nằm ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng có tuổi đời hàng trăm năm, là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền, con nối”.

Theo PGS.TS Trương Văn Món, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh,... đây là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số đóng góp lớn cho di sản văn hoá Việt Nam đặc biệt phải kể đến là làng gốm Bàu Trúc.

Mỗi sản phẩm được các nghệ nhân sáng tạo là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh rõ giá trị đặc sắc của văn hoá Chăm. Ngoài ra, gốm cũng không tráng men, được nung ngoài trời bằng củi và rơm, không có lò cố định, với nhiệt độ nung thấp, khoảng 800°C nên sản phẩm mộc mạc, độc bản, thể hiện dấu ấn riêng của nghệ nhân.

Nghệ nhân gốm Chăm: Đôi tay trần giữ hồn di sản UNESCO - ảnh 3
Gốm Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)…

Sản phẩm gốm truyền thống chủ yếu là các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và đồ dùng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như nồi, niêu, chum, phù điêu, đèn gốm. Ngoài ra, còn có những sản phẩm gốm mỹ nghệ dùng để trang trí như tượng, tháp Chăm, chậu hoa, lọ hoa... 

Tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc là thần Po Klaong Can. Theo truyền thuyết, ngài đã dạy người dân làng làm gốm và trở thành vị thần được tôn thờ. Hằng năm, lễ hội cúng Tổ nghề được tổ chức long trọng, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với những người đã gìn giữ và phát triển nghề gốm truyền thống.

Trả lời báo Văn hóa, Nghệ nhân Châu Thị Tính, người làng gốm Bàu Trúc bộc bạch: “Nghề gốm này tôi theo từ lúc còn nhỏ, khi mới 13, 14 tuổi, do mẹ truyền lại. Con cái nên người, thành đạt cũng nhờ cái đất này, nghề này. Cho nên người con của làng Bàu Trúc như tôi phải cố gắng bảo tồn bản sắc, di sản. Sau này, tôi lại truyền nghề cho con gái”.

Nghệ nhân gốm Chăm: Đôi tay trần giữ hồn di sản UNESCO - ảnh 4
Sản phẩm được nghệ nhân Châu Thị Tính hoàn thành trong 5 phút, chứng một... bài hát

Tận mắt chứng kiến đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo mới cảm nhận được sự khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân làm gốm người Chăm. Cô Tính tếu táo rằng “cứ hát một bài là hoàn thành sản phẩm” vì người Chăm yêu văn nghệ, mỗi khi vừa làm đều vừa hát tạo không khí lao động tươi vui.

Nghệ nhân cũng chia sẻ rằng việc di sản văn hóa làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận đã góp phần giúp địa phương thu hút khách du lịch, với việc mang di sản đến Thủ đô lần này bà Tình mong muốn trong thời gian tới sản phẩm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng sẽ được lan tỏa đến rộng rãi công chúng, thúc đẩy du khách đến Ninh Thuận khám phá trải nghiệm nhiều hơn nữa.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một di sản văn hóa quý báu. Việc UNESCO ghi danh đã góp phần nâng cao giá trị của gốm Chăm trên trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của du khách và tạo điều kiện để nghề gốm phát triển bền vững.

Cuộc hạnh ngộ giữa Di sản Gốm và Di sản Xôi của người Chăm giữa lòng Hà Nội

Tại chương trình, bên cạnh những nghệ nhân Chăm của làng Bàu Trúc, còn có sự hiện diện của những người Chăm sinh sống tại Hà Nội. Điều thú vị là họ không phải con em người Chăm ra Thủ đô lập nghiệp, mà đã sinh sống trên mảnh đất "ngàn năm văn hiến" này hàng trăm năm nay. Đó là những người làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề làm xôi đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

Làng còn được biết đến với tên gọi Bà Già hương. Tương truyền, thời vua Lý Thánh Tông, một nhóm tù binh Chiêm Thành được đưa về đây định cư, và nơi này ban đầu được đặt tên là Đa Gia Ly, sau đó đọc trại thành Bà Già. Ngôi chùa trong làng cũng mang tên chùa Bà Già. Ngày nay, trong làng có hai dòng họ được xác định là gốc tích của người Chăm. Đó là họ Công (đổi từ họ Ông) và họ Hy (đổi từ họ Bố).

Tham dự chương trình, những bô lão làng Phú Gia không khỏi bồi hồi xúc động khi được gặp gỡ những người cùng dòng máu nhưng đã hàng trăm năm xa cách. Trải qua không biết bao dâu bể, thăng trầm, biến thiên của lịch sử, hôm nay, giữa lòng Thủ đô, họ ân cần hỏi thăm nhau và không quên hẹn ngày gặp lại. Có bô lão còn nêu ý tưởng thử kết hợp giữa xôi Phú Thượng và gốm Bàu Trúc, biết đâu lại ra sản phẩm hấp dẫn...