Khởi công xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với du lịch

LÂM HƯƠNG

VHO - Sáng 8.1, UBND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong.

Khởi công xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với du lịch  - ảnh 1
Thực hiện nghi thức bấm nút khởi công công trình

Dự án được phê duyệt theo Nghị quyết số 455/NQ-HĐND, ngày 11.5.2021 của HĐND tỉnh, quy mô 36,02 ha, tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là công trình quan trọng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường Hòa Bình, tạo điều kiện phát triển bền vững, gắn kết giữa văn hóa và du lịch.

Bí thư huyện ủy Cao Phong Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, dự án sẽ giúp lưu giữ đầy đủ giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản trong đời sống xã hội. Công trình sẽ tạo nền tảng để phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương thông qua hoạt động du lịch.

Đặc biệt, dự án không chỉ bảo tồn giá trị di sản văn hóa mà còn đưa Mo Mường trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Cao Phong và tỉnh Hòa Bình.

Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình (giai đoạn 2023-2030), tạo tiền đề đưa Mo Mường vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại do UNESCO ghi danh

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Thắngđề nghị các sở, ngành phối hợp hỗ trợ huyện Cao Phong về chuyên môn, nguồn lực để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Các đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định về quản lý đầu tư, xây dựng và bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Huyện Cao Phong tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án, góp phần xây dựng công trình mẫu mực về quản lý tiến độ, kỹ thuật và mỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Khởi công xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với du lịch  - ảnh 2
Tỉnh Hòa Bình nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”

*Trước đó, ngày 21.12.2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11.2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII; Nghị quyết số 04-NQ-TU, ngày 11.10.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; góp phần huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.

Về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường. Về di sản văn hóa vật thể: Đầu tư xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc; Đầu tư xây dựng khu không gian bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường gắn với phát triển dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong; Phục chế 20 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh Hoà Bình để bảo quản và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình…

Khởi công xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với du lịch  - ảnh 3
Lễ hội khai hạ Mường Bi (Tân Lạc, Hòa Bình)

Về di sản văn hóa phi vật thể: Hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường; bảo tồn, phát huy 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khôi phục, bảo tồn 05 lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường Hòa Bình gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; Nghiên cứu, khôi phục một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường và phát triển trở thành môn thể thao đại chúng…

Về Bảo tồn và phát huy nền “Văn hóa Hòa Bình”: Xây dựng hồ sơ khoa học di tích quốc gia Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại. Quy hoạch các di tích tiêu biểu của “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý đối với các di tích khảo cổ.