Khi tiếng Then ngân vang tại Thủ đô
VHO - Tối 17.11, chương trình biểu diễn giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã diễn ra tại sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự buổi trình diễn. Cùng dự có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và TP Hà Nội...
Đây là hoạt động nổi bật nằm trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, tại không gian văn hóa đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) tổ chức chương trình biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Hòa trong sự phát triển chung của đồng bào DTTS cả nước, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái tại Hà Nội và cả nước đã không ngừng học tập, lao động, sản xuất đi đôi với phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần.
Những đóng góp ấy không chỉ giúp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 mà còn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
“Thông qua tiếng đàn, lời ca, đồng bào các dân tộc gửi gắm lời ước nguyện về sự an khang, mùa màng bội thu và những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, bà Trần Thị Vân Anh khẳng định.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng cho biết thêm, tại chương trình, các nghệ nhân, diễn viên từ 14 đoàn nghệ thuật hát Then, đàn Tính sẽ tiếp tục tỏa sáng, mang lời ca Then với tiếng đàn Tính chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của vùng miền, quê hương đến đông đảo khán giả Thủ đô. Đây là món quà tri ân ý nghĩa đến khán giả; đồng thời, hướng tới chào mừng Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18.11) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11).
Chương trình gồm nhiều màn trình diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính đặc sắc của 14 đoàn nghệ thuật từ các tỉnh thành trên toàn quốc.
Từ bao đời nay, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái luôn gắn bó trong đời sống thường nhật. Then với họ vừa là nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, vừa là nhu cầu sinh hoạt giải trí.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung khẳng định, di sản văn hóa Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của nhân dân lao động sáng tạo, gắn liền với cuộc sống lao động hàng ngày; trở thành nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc.
“Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then đã góp phần hun đúc tinh thần của đồng bào các dân tộc. Khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung khẳng định.
Với chủ đề Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay, Liên hoan không chỉ là dịp để các nghệ nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là cơ hội để công chúng và du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.
Trong suốt những năm qua, nghệ thuật hát Then và đàn Tính đã vượt ra khỏi biên giới vùng miền, lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều tỉnh thành. Trong đó, Hà Nội, Cao Bằng, Điện Biên và một số tỉnh Tây Nguyên… là những nơi có các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính hoạt động rất sôi nổi.
Trong số 50 dân tộc sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội, dân tộc Tày chiếm 17,81%; dân tộc Thái chiếm 6,61%; dân tộc Nùng chiếm 5,58%.
Việc Liên hoan tổ chức tại Hà Nội sẽ góp phần lan toả rộng rãi hơn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này đến người dân và du khách.
Với những giai điệu Then sâu lắng và âm thanh mượt mà của đàn Tính, buổi biểu diễn đã tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng, đưa người xem vào một hành trình khám phá vẻ đẹp của các làn điệu dân ca truyền thống.
Những bài hát Then không chỉ đơn thuần là những giai điệu ca ngợi cuộc sống, tình yêu mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần, phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh.
Mỗi điệu múa, lời hát như lời nhắc nhở người dân cùng nhau bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính - di sản quý báu đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đại diện đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu, NNƯT Lò Văn Xơi không giấu được niềm hân hoan khi tham gia Liên hoan. Ông xem đây là cơ hội quý báu để các tỉnh thành giao lưu, học hỏi và cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Lần thứ 4 tham gia Liên hoan, với ông, mỗi dịp như vậy đều là cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa vẻ đẹp tinh hoa của nghệ thuật hát Then, đàn Tính.
NNƯT Lò Văn Xơi mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục duy trì các cuộc Liên hoan, tạo điều kiện để nghệ thuật hát Then, đàn Tính không chỉ được bảo tồn mà ngày càng lan rộng, trở thành niềm tự hào sâu sắc trong đời sống văn hóa dân tộc.
Bên cạnh chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc diễu hành của 14 đoàn nghệ thuật và triển lãm ảnh với chủ đề Di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính cũng đã diễn ra, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.
Buổi diễu hành đã tạo sự giao lưu, kết nối giữa các nghệ nhân và công chúng, đồng thời là cơ hội để những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái được lan tỏa rộng rãi.
Những bước chân diễu hành đầy tự hào và nụ cười rạng rỡ của các nghệ nhân khiến người xem cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, từ đó, nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống quý báu.
Đối với triển lãm ảnh, đây không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái mà còn là không gian để công chúng có thể tìm hiểu sâu, cảm nhận vẻ đẹp của di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Triển lãm đã giới thiệu loạt các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc sống động của nghệ thuật hát Then, đàn Tính trong đời sống cộng đồng.
Mỗi bức ảnh như một câu chuyện riêng, đưa người xem trở lại quá khứ, nơi nghệ thuật Then và đàn Tính đã từng vang lên trong những buổi lễ hội và dịp quan trọng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái.