Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024:
Điểm nhấn là Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái
VHO - Ngày 7.11, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo về Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII tổ chức tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024 được tổ chức từ ngày 15.11 đến ngày 24.11.2024. Đây là sự kiện thiết thực chào mừng 94 năm Ngày Truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2024) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11).
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ diễn các sự kiện: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Sắc màu văn hóa lễ hội; trình diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa của các dân tộc; Không gian văn hoá, lễ hội của tỉnh Đồng Nai; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc phía Bắc…
Chương trình Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII diễn ra vào tối ngày 16.11, dự kiến có sự tham dự của khoảng 1.000 người.
Trong đó, điểm nhấn là lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII. Liên hoan là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống - nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Liên hoan cũng là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị Di sản - văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào ngày 12.12.2019.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết Liên hoan được tổ chức từ ngày 16 - 18.11.2024 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Liên hoan có chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay” do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với 14 tỉnh, thành phố tổ chức với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Thái hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bắn 14 tinh, thành phố (Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk Và Lâm Đồng).
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính, Liên hoan còn có Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống; trình diễn nghề truyền thống dệt thổ cầm và chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái;trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống của các địa phương tham gia Liên hoan; trưng bày ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then - đàn Tính” và trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái".
Cùng với đó, trong khuôn khổ Liên hoan còn có hoạt động viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của 14 đoàn tham gia Liên hoan, Tham quan di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn; Diễu hành trên một số tuyến đường của Hà Nội như: Hai Bà Trưng - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục…
“Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng. Thái lần thứ VII dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết thêm.
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024, ngày 18.11 sẽ diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ngày hội sẽ đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại Làng theo hướng dẫn của Ủy bạn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Ngày hội sẽ giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc vùng miền tại “Ngôi nhà chung” với - không gian của 3 cụm làng gắn liền với các sắc màu văn hóa điểm nhấn của 16 cộng đồng đang hoạt động hàng ngày. Cùng với đó là hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao; giới thiệu nghề truyền thống của các dân tộc có phần tương tác trình diễn của các nghệ nhân đồng bào và du khách.
Dịp này, Không gian văn hoá, lễ hội của tỉnh Đồng Nai diễn ra từ ngày 16 -17.11 sẽ tái hiện Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai; giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian; trưng bày ảnh, giới thiệu sản vật địa phương và kết nối du lịch.
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ diễn ra ngày 16 - 17.11 với sự tham gia của nhóm đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam và đoàn nghệ nhân dân tộc Chơ Ro tinh Đồng Nai.
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ sẽ có các hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Khmer là chủ thể; giới thiệu ẩm thực các dân tộc Khmer, dân tộc Chơ Ro; giới thiệu nghề truyền thống và nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer, dân tộc Chơ Ro…
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên diễn ra từ ngày 23 - 24.11 tại các làng dân tộc Ể Đê, Raglai, Cơ Tu, Tả Ôi, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai với sự tham gia của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam: dân tộc Ê Đê (Đắk Lấk), Cơ Tu, Tà Õi (Thừa Thiên Huế); Raglai (Ninh Thuận), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na, Gia Rai (Gia Lai).
Du khách và người dân được giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Tây Nguyên là chủ thể trong đó có sự kết hợp giữa các nhóm nghệ nhân đồng bào Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày và các đoàn nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên tham gia Ngày hội.
Cùng với đó là chương trình giới thiệu ẩm thực các dân tộc; giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian; giới thiệu văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương.
Cũng diễn ra từ ngày 23 – 24.11, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc phía Bắc có các hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú...