Người Trung Sơn giữ rừng:

Còn cây xanh là còn làng mạc

NGỌC HÀ - THANH TÂN

VHO - Nói đến rừng Trung Sơn thôn Trung Sơn, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang (cũ), hiện thuộc phường Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, là nhắc đến khu rừng thiêng của người dân bản địa, đã có một thời gian, khu rừng thiêng này với hệ thống di tích, tâm linh chịu nhiều cày xới, người dân làng Trung Sơn âm thầm lo sợ khu rừng sẽ “biến mất” giữa bộn bề dự án bao quanh.

Bảo vệ “ngôi nhà thiêng” trong cơn lốc đô thị

Rừng Trung Sơn có vị trí quan trọng đối với nhân dân nơi đây. Bên trong rừng Trung Sơn chứa đựng những di tích lịch sử quý giá.  

Đây là khu rừng tự nhiên rậm rạp, với diện tích 107.960m2, chiếm gần 1/3 diện tích của làng. Trước khi đô thị hoá, ven rừng là các xóm dân cư, khu rừng được nhân dân thôn Trung Sơn bảo vệ gìn giữ nguyên vẹn từ lúc lập làng (1670) đến nay.

Bên trong và ven bìa rừng có các di tích gồm: Mộ của gần 200 nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại biên xâm nhập và hải tặc dưới sự chỉ huy của đô đốc Lê Văn Tấn thời vua Lê Anh Tông (1556-1573); Đình làng, được xây dựng năm 1900; giếng Chăm cổ; mộ phần của thân sinh (cửu phẩm văn giai Nguyễn Bá Hoành (1880-1941) và thân mẫu của danh tướng Nguyễn Bá Phát - nguyên Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam; Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ kháng chiến.

 Còn cây xanh là còn làng mạc - ảnh 1
Đình làng Trung Sơn đến nay vẫn được người dân luân phiên dọn dẹp, luôn ấm áp hương khói

Ở làng còn có miếu âm linh được xây dựng năm 1879, miếu Tự xây dựng năm 1918, miếu Thần nông xây dựng năm 1926 và miếu Bà được xây dựng năm 1900… Những thiết chế lịch sử này hiện nay vẫn được người dân thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn, hương khói.

Theo tư liệu lịch sử và nhân chứng hiện còn sống tại địa phương, thôn Trung Sơn là “địa chỉ đỏ” trong phong trào cách mạng, là vùng đệm cách mạng trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chỉ riêng làng này có 24 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 69 liệt sĩ và 2 AHLLVT.

Năm 2016, khu di tích lịch sử đồi Trung Sơn được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quyết định số 8499/ QĐ-UBND với quy mô hơn 12 ha, trong đó có nhiệm vụ san gạt đồi ở cao trình 2,5 - 3m và sắp xếp lại các công trình thiết chế văn hóa như đình làng, nhà bia di tích, bố trí cây xanh, đất chia lô… với mục đích “giúp thành phố sớm triển khai quy hoạch, nâng cao giá trị cảnh quan, công trình phúc lợi xã hội tại khu vực. Qua đó gián tiếp tăng giá trị các dự án tại khu vực”.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thấy dự án có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di tích quan trọng trong vùng, người dân làng Trung Sơn đã phản ứng và đề nghị thành phố phải giữ lại nguyên trạng các công trình di tích, không được khai thác cát trong khu vực.

Năm 2019 ngành văn hóa Đà Nẵng cùng chính quyền địa phương đã tổ chức gặp mặt những người cao tuổi trong làng để xác lập lại giá trị di tích nhằm nghiên cứu, xếp hạng di tích cấp thành phố cho cụm di tích văn hóa - lịch sử đồi Trung Sơn. Đây thực sự là niềm vui, là cách ứng xử văn minh với thế hệ tiền nhân, với vùng đất cách mạng, với khu rừng Trung Sơn mang quá nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử.

UBND TP Đà Nẵng một lần nữa lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và cộng đồng người dân địa phương về nội dung quy hoạch rừng Trung Sơn. Qua đó cho thấy, các ý kiến liên quan đều đề xuất phải giữ lại nguyên trạng các di tích, miếu, bia tưởng niệm tại khu vực đồi Trung Sơn.

 Còn cây xanh là còn làng mạc - ảnh 2
Giếng cổ Chăm mới được tu sửa, phục dựng lại nhân dịp 50 năm giải phóng TP. Đà Nẵng

Từng trao đổi với Văn Hóa về vấn đề bảo tồn di tích, giữ lại thiên nhiên rừng Trung Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Quốc Thiện cho rằng: “Không có nơi nào ở Việt Nam có rừng trong thành phố như rừng đồi Trung Sơn ở Đà Nẵng. Khu rừng là một bảo tàng thiên nhiên quý giá của cộng đồng, không chỉ có nhiều cây xanh cổ thụ gốc to mấy người ôm không xuể, rừng Trung Sơn còn tồn tại giếng Chăm cổ nước trong veo ngọt lành nuôi dưỡng cho 3 làng lân cận, miếu âm linh thờ các nghĩa sĩ. Nếu các nước trên thế giới có khu rừng nguyên sinh tuyệt vời như thế này thì họ sẵn sàng giữ lại để bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch chứ không bao giờ chặt phá”.

Nhân chứng của đoạn trường lịch sử

Theo sổ sách và nhân chứng lịch sử đã được ghi lại ở làng Trung Sơn: Dưới thời vua Lê Anh Tông, đô đốc Lê Văn Tấn trấn thủ vùng đất phía nam Hải Vân dọc sông Cu Đê, ông cho thiết lập phòng tuyến tại Trung Sơn, gọi là Gò son, để ngăn chặn quân giặc ngoại biên và hải tặc xâm nhập vào. Tất cả tử sĩ của đô đốc đều đem về chôn tại rừng Trung Sơn (là khu gò nổng cát trắng. Mộ các tử sĩ không có thân chăm sóc nên dân làng gọi là Nổng mồ côi).

Đến năm 1961 nhân dân làng Trung Sơn tu sửa lại và quy tập được 100 hài cốt nghĩa sĩ dồn về nghĩa trủng kề sát đình làng để tiện việc tảo mộ và thờ cúng hàng năm. Nghĩa trủng làng Trung Sơn có từ thời đô đốc Lê Văn Tấn trấn giữ phòng tuyến Gò son vào năm 1572, tính đến nay được 453 năm.

Thời chống Pháp, năm 1947, giặp tăng cường các cuộc càn quét tại cánh Bắc Hoà Vang, rừng Trung Sơn được Huyện uỷ Hoà Vang (cũ) và Uỷ ban kháng chiến chọn xây dựng hầm bí mật cho để bảo đảm an toàn cho cán bộ công tác nằm vùng ẩn nấp khi địch càn quét. Thời kỳ này, ở rừng Trung Sơn có rất nhiều hầm bí mật, mỗi căn chứa 5 người và có thể bảo đảm cho một tiểu đội giấu mình khi cần thiết. Nhờ những căn hầm bí mật này, cán bộ nằm vùng  đã bám trụ địa bàn và hoạt động an toàn qua nhiều cuộc truy quét của của địch và tay sai từ năm 1947 đến năm 1954.

 Còn cây xanh là còn làng mạc - ảnh 3
Những thân đại thụ nhiều người ôm không xuể là nhân chứng vững bền và tin cậy của lịch sử làng Trung Sơn

Thời kỳ chống Mỹ, rừng Trung Sơn tiếp tục được chọn làm nơi trú ẩn của bộ đội giải phóng, là nơi ém quân, hậu cần làm bàn đạp đánh xuống Đà Nẵng. Lúc cao điểm nơi đây có cả thảy 53 căn hầm bí mật, công sự thì có đến cả trăm hầm.

Nhằm chuẩn bị lương thực phục vụ chiến dịch tổng khởi nghĩa Mậu thân, cuối năm 1967 dân địa phương bán rau mua hơn 100 phuy gạo chôn giấu tại rừng Trung Sơn để phục vụ chiến dịch tấn công vào trung tâm Đà Nẵng. Sự việc bị bại lộ, Mỹ phát hiện và đào lấy được tổng cộng hơn 3 tấn.

 Ngày 29.1.1974, nơi đây diễn ra trận đánh theo đúng nghĩa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. 24 bộ đội chủ lực được tăng cường từ Bình Trị Thiên và quận Nhì cùng với 7 du kích địa phương, 1h00 sáng 29.1.1974 lực lượng ta tiến hành đào hầm trong rừng, nhân dân trong làng tháo phênh, cửa nhà ở, cửa nhà thờ ra hỗ trợ chắn cát để khỏi vùi lấp hầm và gia cố công sự.

Đến 1h30 tiến đánh trung đội nghĩa quân ở Vân Dương và rút về lại khu rừng lúc 3 giờ sáng. Khoảng 4 giờ địch kéo quân xuống bắn phá làm hai đồng chí bộ đội chủ lực (quê Bình trị Thiên) hy sinh. Trước hoả lực áp đảo của địch, lực lượng của ta rút vào ẩn nấp trong rừng đến tối mới thoát ra. 

Rừng Trung Sơn, suốt trong quá trình lịch sử địa phương, ghi dấu rất nhiều sự kiện. Trong phong trào Cần Vương, ông Hồ Học lấy cấm Trung Sơn để ém quân hoạt động. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chung quanh là các căn cứ Mỹ nhưng rừng Trung sơn là nơi chỉ huy các trận đánh, che giấu vũ khí, lương thực và là bàn đạp để dân quân cánh Tây Bắc Hoà Vang đánh xuống Đà Nẵng, đồng thời là nơi che giấu hàng trăm cán bộ chiến sĩ hoạt động an toàn.

Trong suốt 30 năm chống Pháp và Mỹ, rừng Trung Sơn là bàn ém quân, hậu cần, có rất nhiều trận đánh diễn ra tại khu rừng, đồng thời tại đây, dân quân địa phương và bộ đội chủ lực đã lập nên nhiều chiến công to lớn bằng việc tổ chức lực lượng phục kích địch hành quân, tiến đánh nhiều căn cứ địch ở cánh Tây Bắc và nội thành Đà Nẵng.

"Ai phá rừng thì phải bước qua xác người làng"

Do phát hiện rừng Trung Sơn là nơi ẩn nấp của dân quân và bộ đội, năm 1963 Mỹ tiến hành phát quang khu rừng thì dân địa phương phản đối nhưng với phương pháp rất khôn ngoan và mềm dẻo là phải giữ lại rừng để lấy nước uống.

Năm 1965 Mỹ đóng quân gần rừng, bị quân du kích bắn chết một tên nên Mỹ đưa xe ủi từ Thanh Vinh đến cày xới nhằm phá tiệt khu rừng nhưng bị dân làng kịch liệt phản đối. Cũng với lí do là giữ lại khu rừng để dân có nước uống, người dân cả làng kéo ra cản đầu xe phản đối.

 Còn cây xanh là còn làng mạc - ảnh 4
Quanh làng Trung Sơn, đâu cũng có thể thấy hệ thống di tích dày đặc dàn trải

 Cuối cùng Mỹ phải thay đổi kế hoạch bằng cách phát dọn cây cối. Mỗi năm Mỹ bắt dân ra phát rừng thì con em, người thân của những gia đình có người đi thoát li xung phong ra phát dọn. Đây là những người có chủ ý giữ rừng cho bộ đội ẩn nấp nên họ phát dọn hình thức, chừa lại phần gốc để cây cối tái sinh.

Không từ bỏ quyết tâm phá bỏ khu rừng, xoá sổ nơi ẩn nấp của bộ đội giải phóng, năm 1967 Mỹ cho xe ủi đường vào rừng để xây dựng nơi đây thành đồn pháo. Dân làng lại kéo ra nằm trước đầu xe để cản đường buộc Mỹ phải đổi hướng và huỷ bỏ kế hoạch biến nơi đây thành đồn pháo.

Và lần cuối cùng là vào cuối 1972 Mỹ lại có kế hoạch phá bỏ khu rừng. Người dân làng Trung Sơn kể lại, hồi đó bà Hai Sương - nguyên Bí thư xã Hoà Vinh, bí mật họp dân bàn biện pháp đấu tranh. Người dân trực tiếp giăng hàng ngang không cho địch vào càn quét rừng.

Ông Hương Hai thời đó cũng bước ra dõng dạc tuyên bố “ai phá rừng thì phải bước qua xác của tôi", cả làng cũng đồng thanh "phải bước qua xác người làng". Và lần cuối cùng này, với quyết tâm và can đảm của dân làng Trung Sơn, kế hoạch phá rừng của Mỹ - nguỵ một lần nữa bị thất bại.

Hết kháng Pháp rồi đến chống Mỹ, rừng Trung Sơn không biết bao nhiêu lần bị giặc lăm le san bằng nhưng người dân nơi này từ lâu đã biết rằng nếu mất rừng Trung Sơn thì phong trào cách mạng của địa phương sẽ bị tê liệt nên họ kiên cường bảo vệ rừng bằng cả mạng sống của mình. Cả làng dựa vào lợi thế, đặc điểm tự nhiên quê mình để đánh giặc đến ngày thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân năm 1975.

Chung quanh làng Trung Sơn trước đây có nhiều khu rừng tương tự như Xuân Thiều, Thanh Vinh, Vân Dương nhưng tất cả đều đã bị quân đội Mỹ cày ủi thành bình địa. Riêng rừng Trung Sơn thì được nhân dân đấu tranh quyết liệt để giữ lại. Người dân Trung Sơn có thể tự hào mà nói rằng, đây là một thành công lớn của cả quân và dân làng Trung Sơn trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Từ ngày hoà bình thống nhất đất nước đến nay, cứ xuân thu nhị kỳ, dân làng lại lên miếu Âm linh để đốt nén nhang tưởng nhớ tổ tiên ở đình làng và các nghĩa sĩ, chiến sĩ đã hy sinh và được an táng nơi khu rừng linh thiêng này.

Hàng trăm năm qua, rừng Trung Sơn như một lá chắn vững chắc, bình yên cho dân làng, tuy đã qua rồi thời bom đạn chiến tranh, và đứng trước cơn lốc đô thị hóa bủa vây, đến nay toàn thể người dân làng Trung Sơn vẫn quyết tâm giữ rừng như giữ mái nhà linh thiêng đã chở che cho cả làng qua bao trường đoạn.