Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình:
Cần bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm, có tâm thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia
VHO - "Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều chương trình phức tạp, khó khăn. Vì vậy, cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần để chương trình đạt kết quả và hiệu quả cao nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS và miền núi". Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vùng miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra tại Gia Lai ngày 9.11.
Ngày 9.11, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Ủy ban Dân tộc phối hợp tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2021 – 2030. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn I (2021 - 2025) và định hướng, đề xuất các nội dung cho giai đoạn II (2026 - 2030).
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai Hồ Văn Niên; Thứ truỏng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II, 476 xã khu vực III và 3.243 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 24,53% tổng số thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước). Dân số khu vực này trên 21 triệu người, trong đó có hơn 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 17% dân số.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn lực dự kiến để triển khai chương trình là trên 22.560 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 20.500 tỉ đồng. Tính đến 30.9.2024, 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã giải ngân vượt mức 12.900 tỉ đồng, đạt 60,6% kế hoạch.
Đáng chú ý, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đạt 74,3%, cao gấp 1,3 lần so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.
Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và sản xuất đã được thực hiện, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đến nay bình quân đạt 5,2%/năm; thu nhập bình quân của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với thu nhập bình quân vùng DTTS đầu giai đoạn. Tỉ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%.
Bên cạnh đó, gần 100% các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia và có đường ô tô rãi nhựa hoặc bê thông. Gần 90% trường, lớp học được xây dựng kiên cố. Những kết quả này khẳng định hiệu quả của các chương trình hỗ trợ đã triển khai.
Theo đánh giá Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù Chương trình Mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi chỉ mới thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022 nhưng nhờ sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong việc tổ chức triển khai và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, một số chỉ tiêu trong giai đoạn I ước tính đến 31.12.2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao.
Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu trong giai đoạn I vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, đây là chương trình mới chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nhưng kết quả chương trình đem lại là hết sức to lớn, có ý nghĩa, đã giúp cho đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS, miền núi nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như: kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa…; tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Đối với các nội dung chương trình giai đoạn II từ năm 2026 - 2030 khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành và các địa phương liên quan cần rà soát để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bổ sung hành lang pháp lý cho các chính sách của chương trình đúng pháp luật quy định; các chương trình, dự án giai đoạn II sẽ phân cấp mạnh để các địa phương chủ động thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.
“Các tỉnh phải kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn mới có thể hoàn thành mục tiêu chung. Giai đoạn sau phải hoạch định được con đường, các giải pháp thực chất. Cần phải đề xuất các giải pháp, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình trong giai đoạn tới. Cần cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của chương trình, hiến kế cho ban chỉ đạo chương trình những cơ chế chính sách đặc thù, điểm nghẽn trong thực hiện chương trình giai đoạn I, để tháo gỡ trong giai đoạn II. Để từ đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là tháo gỡ các điểm nghẽn, để đưa các dự án, các nguồn lực đã đầu tư nhưng chưa phát huy tác dụng vào nền kinh tế để phát huy tác dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tập trung giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả 100% so với yêu cầu.
“Các bộ, ngành, địa phương nào không hoàn thành việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia là có tội với người dân vùng DTTS và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều chương trình phức tạp, khó khăn vì vậy cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần để chương trình đạt kết quả và hiệu quả cao nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó Thủ tướng Chính phủ cho hay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều nội dung cho Chương trình ở giai đoạn II (2026 – 2030).
Các ý kiến tập trung vào việc cần thiết có các chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ sản xuất, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hoá.
Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030, nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Mục tiêu bao gồm: thu nhập bình quân đạt 1/2 bình quân cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xóa bỏ nhà ở tạm và duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 85%…
Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển toàn diện đất nước.