Bắc Trà My đón khách quốc tế đầu xuân

THU HOÀI

VHO - Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, đồng bào Mường, Ca Dong tại những làng du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) rộn ràng chào đón những du khách quốc tế đầu tiên ghé thăm.

Bắc Trà My đón khách quốc tế đầu xuân - ảnh 1
Du khách cùng vui điệu cồng chiêng ở làng văn hóa Cao Sơn

 Bắc Trà My là một trong số bảy địa phương ở Quảng Nam thụ hưởng Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Thời gian qua, địa phương đã triển khai thực hiện các nội dung của dự án, trong đó có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại những làng du lịch cộng đồng.

Đầu tháng 2, đoàn du khách Nhật Bản đã đến tham quan, khám phá và trải nghiệm văn hóa tại làng Mường, xã Trà Giang (Bắc Trà My). Đoàn đã trải nghiệm tour xe đạp, “check-in” cầu treo sắt, tham quan cánh đồng mía tại thôn 2, xã Trà Giang.

Nhiều du khách thích thú khi được nghe giới thiệu và thưởng thức hương vị của giống mía tím mềm, ngọt thanh. Đến làng Mường, du khách cùng tham gia những trò chơi dân gian múa sạp, ném còn của đồng bào Mường, học cách làm những món đồ đơn giản từ mây, tre, thưởng thức ẩm thực độc đáo của người dân địa phương.

Anh Bùi Văn Liu, hướng dẫn viên tại điểm cho biết, do điều kiện ở vùng quê huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) ngày trước còn nhiều khó khăn, nên khoảng những năm 1986 - 1987, những người Mường đầu tiên từ Hòa Bình đã vào Quảng Nam và lựa chọn vùng đất dưới chân núi Hòn Bà này để sinh sống, lập nghiệp.

Bắc Trà My đón khách quốc tế đầu xuân - ảnh 2
Tour xe đạp khám phá cánh đồng mía tím xã Trà Giang

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, dần dần có thêm nhiều hộ gia đình di cư vào đây sinh sống và hình thành nên một cộng đồng Mường đoàn kết, cùng nhau phát triển cho đến bây giờ. Hầu hết các gia đình đều làm nhà sàn gỗ, coi việc trồng cây lát hoa như một báu vật riêng của đồng bào mình, gìn giữ phong tục ăn Tết Bác Hồ vào ngày Quốc khánh 2.9, điệu múa cồng chiêng và các trò chơi dân gian truyền thống…

Đến làng văn hóa Cao Sơn, xã Trà Sơn (Bắc Trà My), các du khách bất ngờ và hào hứng khi được đồng bào Ca Dong ở làng đón chào nồng nhiệt bằng điệu múa trống chiêng rộn ràng, mang đậm nét văn hóa của núi rừng Trường Sơn.

Anh Sekiguchi Toshiya, du khách Nhật Bản trong đoàn tham quan chia sẻ: “Đoàn chúng tôi rất ấn tượng với văn hóa của người dân tộc Ca Dong ở làng Cao Sơn. Bà con rất vui vẻ, niềm nở. Họ thể hiện điệu múa trống chiêng rất say sưa, nhiệt tình. Mọi người trong đoàn rất hào hứng và cùng nhảy múa theo”.

Trước đây, người dân địa phương xem việc sinh hoạt trống chiêng như một nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, chỉ thể hiện trong các nghi lễ cúng mừng lúa mới, cúng thần sấm, cúng máng nước…

Trong giai điệu rộn ràng của tiếng trống, tiếng chiêng, họ gửi gắm đến thần linh, tổ tiên những ước nguyện cho dân làng, con cái được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Giờ đây, khi làng văn hóa Cao Sơn được định hướng phát triển thành làng du lịch cộng đồng, người dân cởi mở hơn khi giới thiệu điệu múa trống, chiêng truyền thống của đồng bào mình đến du khách, như là lời chào hỏi niềm nở, chân tình của người vùng cao đến những vị khách phương xa.

Cùng với điệu múa trống, chiêng bà con Cao Sơn còn vui vẻ giới thiệu đến du khách những hoạt động sinh hoạt hằng ngày của đồng bào mình như đan gùi, đan lét, xâu cườm, gói bánh sừng trâu, nấu cơm lam…

Bắc Trà My đón khách quốc tế đầu xuân - ảnh 3
Cánh đồng mía tím ở Trà Giang

Được biết, đoàn khách Nhật Bản đến thăm làng Mường, làng văn hóa Cao Sơn thông qua kết nối của dự án “Xây dựng cơ chế phát triển bền vững tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn miền núi tỉnh Quảng Nam” (EMMi), phối hợp với Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR).

Các làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường, xã Trà Giang cũng là những làng du lịch được sự hỗ trợ của Dự án 6 triển khai các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, Trưởng Ban Quản lý điểm du lịch Làng văn hóa Cao Sơn cho biết: “Thời gian qua, chính quyền xã Trà Sơn đã tích cực phối hợp với Dự án EMMi, tổ chức FIDR, các phòng, ban huyện và cộng đồng địa phương tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn khách đến tham quan Làng văn hóa Cao Sơn.Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, tuyên truyền vận động bà con nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, bồi dưỡng các kỹ năng phục vụ du lịch, đồng thời củng cố lại đội ngũ các tổ cộng đồng để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách”.

Thời gian qua với sự hỗ trợ từ Dự án 6 địa phương cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp, tôn tạo Làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường, quan tâm đầu tư, tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, tạo thêm các sản phẩm du lịch. Hỗ trợ trống, chiêng, trang phục, trang sức cho đội cồng chiêng các thôn.

Tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nguồn lực từ của đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019- 2025, định hướng đến năm 2030; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn viên địa phương tại các làng văn hóa.