TP.HCM: Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”

VHO - Hôm nay 14.11, tại TP.HCM đã khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề: “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TP.HCM”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp cùng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức.

TP.HCM: Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” - Anh 1

Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, “Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, Thành phố sáng tạo được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội. 

“Hội thảo là diễn đàn khoa học để nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển của các nguồn lực văn hóa cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai”, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. 

Tính đến nay, Mạng lưới Thành phố sáng tạo có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia. Mạng lưới Thành phố sáng tạo tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông. 

Yêu cầu các thành phố trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO phải tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh sáng tạo của người dân trong phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, Thành phố sáng tạo phải hợp tác với các thành viên khác của Mạng lưới để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu hóa như: Biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh... 

TP.HCM: Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” - Anh 2

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM báo cáo đề dẫn

Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây - tháng 10.2023, UNESCO công nhận Hội An là “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “ Âm nhạc”. 

Ngày 16.4.2021, Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TP.HCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu... có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. 

TP.HCM là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực văn hóa và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc. 

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 25.10.2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. 

Thành phố đã đặt ra mục tiêu để đưa văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo đến năm 2030 là “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố; gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa, con người TP.HCM ra khu vực và thế giới”. 

Hiện nay, TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố. 

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16.4.2021 của Bộ VHTTDL phê duyệt kế hoạch xây dựng Đề án phát triển Mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó TP.HCM đề xuất năm 2025, TP Huế đề xuất năm 2025, TP Hội An (thủ công và nghệ thuật dân gian) đề xuất năm 2023, TP Đà Lạt (Âm nhạc) đề xuất năm 2023, TP Hạ Long, TP Vũng Tàu, TP Cần Thơ, TP Hải Phòng đề xuất năm 2027.

Theo Nhà báo Tăng Hoàng Thuận, Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP.HCM, nhìn lại chặng đường 15 năm qua, lĩnh vực văn học - nghệ thuật của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực, ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc.

TP.HCM: Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” - Anh 3

Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP.HCM Tăng Hoàng Thuận nhấn mạnh vai trò của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ

Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Từ đó, cho thấy thời cơ rất tốt để TP.HCM hướng đến chiến lược xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và có nền tảng để gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo.

“Không chỉ với các đơn vị công lập, các đơn vị ngoài công lập đã không ngừng đổi mới và đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đã thăng hoa”, chuyên gia này nhận định và chia sẻ rằng, khi công nghệ văn hóa phát triển cuốn theo mọi nhu cầu, lợi ích cuộc sống, điều này cũng là thách thức khi buộc văn nghệ sĩ phải nỗ lực thích ứng, nắm bắt và phải có kế hoạch đầu tư chiến lược để phù hợp. Mà mũi nhọn trọng điểm chính là củng cố hoạt động biểu diễn nghệ thuật Sân khấu TP.HCM và cần đầu tư ngay chiến lược xứng tầm phát triển bền vững về thiết chế văn hóa; đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng; đời sống lý luận phê bình và củng cố lại diện mạo văn học kịch của bộ môn sân khấu.

Bàn về giải pháp xây dựng Thành phố sáng tạo, TS Nguyễn Thị Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: Để TP.HCM hướng đến mục tiêu Thành phố sáng tạo, vai trò của của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở khá quan trọng vì đây là nơi đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, sáng tạo, thụ hưởng văn hóa của người dân cũng như đảm bảo an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mặc dù, TP.HCM đã có nhiều chính sách, định hướng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nói riêng, song hiện nay thực trạng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nhằm góp phần phát huy vai trò của mình trong xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành Thành phố sáng tạo. 

Chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định, đảm bảo mọi nguồn sáng tạo. “Chỉ có con người mới là người sáng tạo ra các loại hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ. Mặc dù các trang thiết bị, tài sản hay nguồn tài chính được xem là các nguồn tài nguyên mà mọi tổ chức đều phải có nhưng tài nguyên nhân văn con người được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng”, TS Hương nhấn mạnh. 

THÙY TRANG; ảnh: MẠNH HẢO

Ý kiến bạn đọc