Huế trên hành trình tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo
VHO - Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Theo nhiều chuyên gia, ẩm thực là lợi thế và là động lực để góp phần khai thác công nghiệp văn hóa cho địa phương.
Theo ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế, hiện nay địa phương đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL để xây dựng hồ sơ lĩnh vực ẩm thực tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Theo kế hoạch, hồ sơ sẽ trình UNESCO vào năm 2025.
Nhiều lợi thế
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng Phân viện VHNT quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, có nhiều yếu tố tạo nên đặc trưng và giá trị của ẩm thực Huế, đó là yếu tố tự nhiên với thiên nhiên, địa hình, cảnh quan sinh thái phong phú và yếu tố lịch sử, xã hội khi Huế từng là Kinh đô dưới triều nhà Nguyễn.
Trong vai trò trung tâm chính trị văn hóa của Đại Nam thời Nguyễn, nhiều tầng lớp thuộc hàng thượng lưu hội tụ quanh kinh thành Huế để phục vụ bộ máy chính quyền phong kiến, hoạt động trao đổi hàng hóa, thương nghiệp có điều kiện phát triển hơn.
Đặc sản của nhiều miền đất khắp nơi từ Nam chí Bắc xuất hiện ở đây theo đường cung tiến cho quý tộc, hoặc đặt hàng từ tầng lớp nhiều tiền của và quyền lực.
Nguyên liệu ẩm thực và những đầu bếp giỏi, hương vị cũng như kỹ thuật chế biến trong ăn uống cũng từ đó mà “hút” về Huế. Theo nghiên cứu, khảo sát, ở Huế có đến 1.700 món ăn, thức uống trong số hơn 3.000 món ăn, thức uống của Việt Nam.
Ẩm thực Huế tập trung ba dòng gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay, với những đặc trưng, đa dạng, tinh tế riêng có của vùng đất Cố đô. Đó cũng chính là lợi thế khi TP Huế xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ngoài ra, hiện tại ở Huế có nhiều nghệ nhân am hiểu về nghệ thuật chế biến ẩm thực từ cung đình đến dân gian và ẩm thực chay. Nhiều cơ sở đào tạo nghề về chế biến ẩm thực, trong đó có Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL); các chương trình giáo dục ngoại khóa ở các trường cấp THPT trên địa bàn.
Từ năm 2021, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) đã tiên phong tổ chức chương trình dạy kỹ năng gia chánh cho học sinh, trong đó có truyền dạy về ẩm thực Huế…
Để trở thành thành viên của UCCN, các thành phố có thể đệ trình UNESCO xem xét, đánh giá, công nhận ở một trong 7 lĩnh vực, gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông; Điện ảnh; Thiết kế; Ẩm thực; Văn học và Âm nhạc.
Mỗi lĩnh vực có những tiêu chí riêng do UCCN đặt ra, riêng lĩnh vực ẩm thực có 8 tiêu chí. Với Huế, những tiêu chí được đưa ra này khá phù hợp thực tế để từ đó tham gia UCCN và phát huy giá trị của ẩm thực.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, thời gian qua, các thành phố sáng tạo ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã chuyển hóa hiệu quả các nguồn tài nguyên ẩm thực trong mối liên kết với 6 lĩnh vực còn lại.
Tại Việt Nam, đến nay đã có ba thành phố sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau. Huế chọn lĩnh vực ẩm thực, để đảm bảo chất lượng, hồ sơ cần thể hiện được tính logic, kết nối xuyên suốt giữa hiện trạng, mục tiêu và các sáng kiến thành phố cam kết.
Đồng thời phải có những nội dung thể hiện sự gắn bó giữa ẩm thực và thủ công, nghệ thuật dân gian (một thế mạnh khác của Huế). Đặc biệt là làm nổi bật lên được hồn cốt đặc trưng nhất của ẩm thực và văn hóa xứ Huế.
Thêm tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội cho Huế có vai trò và vị thế ngày càng lớn hơn trong quá trình hội nhập, một cơ hội chiến lược để kích thích và đổi mới các chính sách địa phương theo hướng sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận quốc tế, tăng cường hợp tác giữa các thành phố sáng tạo về ẩm thực.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang xây dựng và phát triển đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”, cùng với việc có thêm cơ hội trở thành thành viên của UCCN, sẽ mang lại nhiều động lực, bước đệm để khai thác và phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Trong nội hàm xây dựng thương hiệu Huế là trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của cả nước; trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương với nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế, thì việc xây dựng các thương hiệu cho thành phố di sản là hết sức quan trọng.
Thời gian qua, tỉnh đã báo cáo Bộ VHTTDL, Ủy ban UNESCO Việt Nam để tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với chủ đề ẩm thực. Đây là chất liệu và thế mạnh lớn của Huế. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc triển khai xây dựng đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực“ trước đó là một trong những điều kiện quan trọng để TP Huế tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh Huế.
Tỉnh đã giao UBND TP Huế, Sở VHTT, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tham gia xây dựng hồ sơ để trình UNESCO vào năm 2025. Bộ VHTTDL cũng rất ủng hộ cho đề án này, việc thực hiện đề án thành công sẽ giúp Huế có thêm danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch xanh, và Thành phố sáng tạo UNESCO. Đó cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.
Thế mạnh của ẩm thực Huế gắn với phát triển du lịch trong định hướng trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO. Văn hóa ẩm thực Huế chính là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc và nổi trội của vùng đất này.
Để tôn vinh sản phẩm du lịch độc đáo về ẩm thực, không chỉ là “nhiệm vụ“ của người đầu bếp, mà phải là sự kết hợp sẻ chia của nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều chuyên môn khác nhau...
Gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa là một trong những gia đình lưu giữ nhiều tư liệu về ẩm thực Huế cũng như nổi tiếng trong việc tổ chức hoạt động khai thác giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống Huế nhiều năm qua.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, sẵn sàng chia sẻ những tài liệu nghiên cứu của bản thân về ẩm thực Huế để dịch và kèm theo, góp phần gia tăng tính thuyết phục cho hồ sơ của thành phố Huế trình lên UNESCO.
Huế tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là cơ hội tiếp tục quảng bá về vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều.
Củng cố và tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử của địa phương và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại.
Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác của Huế.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trung tâm đang xây dựng kế hoạch kết nối với các đơn vị để tổ chức khai thác giá trị văn hóa ẩm thực Huế và nghệ thuật truyền thống tại không gian cung Trường Sanh (Đại Nội Huế). Qua đó, góp phần phát huy giá trị các di sản của Huế, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.