Các lễ hội âm nhạc quốc tế tại TP.HCM: Phát triển công nghiệp văn hóa, kích cầu du lịch
VHO - Liên tục trong tháng 12 này, hai sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế đã diễn ra tại TP.HCM, thu hút hàng trăm ngàn lượt khán giả tới thưởng thức. Liên hoan âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 3 năm 2023 Hò Dô với ba đêm “đại tiệc” HOZO Super Fest từ ngày 22-24 và Lễ hội âm nhạc - Kết nối cộng đồng BridgeFest diễn ra trước đó đã mang đến không khí lễ hội vô cùng tưng bừng, náo nhiệt trên Thành phố mang tên Bác.
Nghệ sĩ và khán giả bùng nổ trong Lễ hội âm nhạc - Kết nối cộng đồng BridgeFest 2023
Thông qua đây, TP mong muốn khẳng định thế mạnh ngành công nghiệp âm nhạc, đóng góp vào thương hiệu quốc gia Việt Nam.
BridgeFest tôn vinh bình đẳng và sự đa dạng
Lần đầu tiên Lễ hội âm nhạc - Kết nối cộng đồng BridgeFest được tổ chức tại TP.HCM, tạo nên không gian sống động với sự tham gia của các nghệ sĩ được mến mộ trong nước và quốc tế cùng gần 40 tổ chức xã hội. Với thông điệp “Thu hẹp khoảng cách”, Lễ hội khẳng định sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc và các hoạt động xã hội. BridgeFest 2023 được tổ chức bởi Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Thụy Sĩ, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Phái đoàn ngoại giao Canada, Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ VHTTDL.
Chứng kiến đêm nhạc đầy màu sắc của những nghệ sĩ trẻ được mến mộ như Võ Hạ Trâm, Da LAB, Microwave, Lynk Lee, beatboxerTuansss, các nghệ sĩ đến từ Hoa Kỳ như Adrienne Mack-Davis và DJ 32french…., BridgeFest mang ý nghĩa lớn hơn một lễ hội âm nhạc đơn thuần khi kết nối gần 40 tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, hội nhóm từ khắp ba miền đất nước, tạo nên một không gian đặc sắc, giới thiệu về những nỗ lực của khối xã hội đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, BridgeFest là nỗ lực hợp tác của rất nhiều bên, trải dài qua ba thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. BridgeFest hài hòa giữa âm nhạc và ý nghĩa xã hội, qua đó truyền cảm hứng và trao quyền cho thế hệ tiếp theo. Kể từ lần đầu tổ chức, BridgeFest đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Sự kiện tại TP.HCM vào tháng 12 này nối tiếp hành trình của BridgeFest, khẳng định vai trò của âm nhạc và sự cộng hưởng hành động, góp phần xây dựng tương lai bền vững và bình đẳng. Thành công của BridgeFest không thể thiếu sự hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các cấp chính quyền tại TP.HCM.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) bày tỏ vui mừng khi BridgeFest 2023 đến với công chúng TP.HCM. “Bộ VHTTDL luôn muốn được thấy nhiều hơn nữa những chương trình nghệ thuật chất lượng và miễn phí dành cho tất cả mọi người, kèm theo thông điệp mang tính nhân văn, khuyến khích trách nhiệm với xã hội, chia sẻ tình thương yêu để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng BridgeFest trong những năm tiếp theo…”, ông Trần Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Được phát triển từ SEA Pride 2016 - Lễ hội âm nhạc Đông Nam Á tôn vinh tinh thần tự do và bình đẳng trong giới trẻ, BridgeFest tới nay đã được tổ chức 6 năm liên tiếp, ghi dấu ấn như một lễ hội âm nhạc lan tỏa những giá trị nhân văn.
Một trong các đêm đại tiệc âm nhạc HOZO Super Fest 2023
Hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch
Liên hoan âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 3 năm 2023 Hò Dô vừa diễn ra ba đêm đại tiệc HOZO Super Fest tại Công viên Lam Sơn (Quận 1) vàĐường đi bộNguyễn Huệ. Chương trình bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến hết tháng 12.2023, trải qua bốn đêm công diễn Cảm hứng HòDô (HOZO Inspired Talent) vào các ngày 23-24.9 và 25-26.11 cùng ba đêm đại tiệc nói trên.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng bày tỏ: “Liên hoan âm nhạc quốc tế TP.HCM lần thứ 3 - Hò Dô năm 2023 đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch thường niên, mang dấu ấn đặc sắc của TP.HCM. Chương trình năm nay với các hoạt động nghệ thuật phong phú, các diễn đàn chuyên sâu về công nghiệp âm nhạc, thu hút những nhà quản lý, văn nghệ sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc cùng tham gia, làm rõ hơn vai trò của các lễ hội âm nhạc quốc tế trong phát triển công nghiệp văn hóa”.
Hò Dô lần 3 được BTC các ngày lễ lớn TP.HCM đứng ra tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của TP, nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch. Trong đó, HOZO Super Fest là chương trình nghệ thuật đa dạng về thể loại âm nhạc, từ EDM, Rock tới RAP Jazz, Pop, pha trộn giữa âm nhạc truyền thống và các thể loại âm nhạc đương đại, với sự góp mặt trình diễn của đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.
So với các sựkiện âm nhạc quy mô lớn khác diễn ra cùng thời điểm, điều đặc biệt của Hò Dô 2023 là không bán vé, đây là chủ trương của UBND TP.HCM với mục đích tạo nên một lễ hội vì cộng đồng. Theo NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, đại diện BTC, Liên hoan âm nhạc năm nay tạo điều kiện tiếp cận cho mọi người dân. Nơi đây sẽ khởi nguồn, lan tỏa sự sáng tạo, sẻ chia, là điểm đến của những trái tim yêu âm nhạc. Hò Dô được kỳ vọng sẽ trởthành lễhội âm nhạc thường niên, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ lễ hội âm nhạc thế giới. Qua đó, thu hút thêm nhiều du khách nội địa lẫn quốc tế đến với dải đất hình chữ S.
“Trên con đường xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa, bên cạnh việc tổ chức lễ hội âm nhạc thì rất cần có một hệ sinh thái. Để làm được điều này, chúng ta phải phát huy các nguồn lực xã hội bên cạnh sự hỗ trợ hết sức quan trọng của nhà nước. Các địa phương trên cả nước hiện có rất nhiều chương trình, lễ hội âm nhạc được đầu tư công phu và có thương hiệu, nhưng để có thể phát triển bền vững và tạo nên đặc trưng bản sắc, cần sự bắt tay, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức nghệ thuật, các nhà đồng hành trên nhiều lĩnh vực để có thể mang đến một sản phẩm lễ hội đúng nghĩa phục vụ người dân”, NSND Thanh Thúy chia sẻ với Văn Hóa.
Sở VHTT TP.HCM cũng sẽ có đánh giá tổng quan về đóng góp cho kinh tế - xã hội của TP từ Hò Dô, nhằm đưa ra phương hướng phát triển cho lĩnh vực âm nhạc cũng như xây dựng một số thương hiệu văn hóa - nghệ thuật khác, để tiếp cận gần nhất các lễ hội mang thương hiệu quốc tế.
Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp âm nhạc trở thành ngành dịch vụ văn hóa trọng điểm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM đến năm 2030, TP đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chú trọng giao lưu quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của địa phương.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cũng bày tỏ: “Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, chúng tôi kỳ vọng các kỳ liên hoan âm nhạc như Hò Dô sẽ thật sự thấm sâu và lan tỏa vào đời sống âm nhạc của TP, đặc biệt là trong môi trường đào tạo và cộng đồng các bạn trẻ yêu âm nhạc”.
THÙY TRANG