Bao giờ công nghiệp giải trí Việt Nam có được những đêm nhạc BlackPink?
VHO - Chắc chắn, một trong những sự kiện nghệ thuật được nhắc đến nhiều nhất năm 2023, và có thể còn ở những năm sau này nữa, là việc ban nhạc BlackPink có hai đêm diễn tại Hà Nội trong tour diễn Born Pink vòng quanh thế giới. Hiếm hoi có được sự kiện ở Việt Nam nào nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ ở trong và ngoài nước đến như vậy. Truyền thông dày đặc trước, trong và sau sự kiện. Những đánh giá đa chiều từ góc độ nghệ thuật, kinh doanh, tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu nghệ thuật hay cả ở những cách tiếp cận ít liên quan khác.
Thành công của làn sóng Hàn Quốc
Không biết có liên hệ gì không nhưng tôi vẫn nhớ đến câu chuyện để dẫn đến thành công của làn sóng Hàn Quốc đang chinh phục thế giới ngày hôm nay đến từ sự thành công của bộ phim Công viên Kỷ Jura (Jurassic Park) vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã thay đổi nhận thức của người Hàn Quốc như thế nào về công nghiệp giải trí trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khi mà chỉ một bộ phim của Mỹ đã có doanh thu toàn cầu bằng 500.000 chiếc xe của hãng xe hơi Hyundai lớn nhất Hàn Quốc. Điều này khiến người Hàn Quốc phải suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược phát triển đất nước của mình trong việc đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp văn hóa, những thứ là xu hướng phát triển, quyền lực mềm, thay cho việc cứ mải miết đi làm những công việc của các ngành công nghiệp nặng, gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động và rất nhiều hệ lụy khác.
Từ đó, các chính sách như gửi nghệ sĩ đi học ở Mỹ, đào tạo các kỹ năng kinh doanh, đầu tư cho công nghệ mới, cho cơ sở hạ tầng để tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế, khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư cho nghệ thuật bằng chính sách ưu đãi thuế,... đã giúp hình thành nên làn sóng Hàn Quốc như chúng ta chứng kiến ngày hôm nay. Ở đó, không chỉ có Gangnam Style làm mưa, làm gió, hay BlackPink nổi đình nổi đám, mà ban nhạc BTS trở thành hiện tượng khi nhiều lần xếp hàng đầu trong bảng xếp hạng âm nhạc Bill Board của Mỹ (điều chưa ban nhạc châu Á nào làm được). Với tư cách là đại sứ du lịch năm 2017, BTS giúp hồi phục kinh tế đất nước nhờ mỗi năm thu hút khoảng 790 nghìn du khách đến Hàn Quốc. Tháng 12.2018, Viện nghiên cứu Huyndai ước tính BTS mang về hơn 3,67 tỉ đô la cho Hàn Quốc mỗi năm, do cứ 13 du khách thì có một người là fan của BTS. Tính đến tháng 6.2019, nhóm này đóng góp cho Hàn Quốc khoảng 5,5 nghìn tỉ won (4,65 tỉ đô la, tương đương 0,7% GDP). Thậm chí, ngày 21.9.2021, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 tại New York (Mỹ), với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc về văn hóa và thế hệ tương lai, 7 thành viên của ban nhạc BTS đã truyền tải tiếng nói của thế hệ tương lai về thế giới trước và sau đại dịch Covid-19. Dù tất cả đều nói tốt tiếng Anh nhưng các thành viên đều phát biểu bằng tiếng Hàn. Họ giới thiệu ca khúc Permission to dance để chào đón một thế giới thay đổi. Sân khấu ghi hình tại trụ sở Liêp Hợp Quốc và livestream trên toàn thế giới. Đó cũng là giấc mơ của Việt Nam! Chúng ta mong muốn rằng, những ví dụ trên, và đặc biệt, hai đêm nhạc của BlackPink cũng thay đổi Việt Nam theo hướng như vậy.
Đêm diễn bằng năm làm của BlackPink
Đừng quá đam mê hướng ngoại…
Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc. Không chỉ đối với những người đã lâu mới trở lại Việt Nam, tất cả người dân Việt Nam đều cảm nhận rõ ràng những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đối với lĩnh vực văn hóa, ông cha ta trước đây có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Bên cạnh quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, chính nhờ đời sống kinh tế khá giả lên đã giúp cho đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước trở nên sinh động, đa dạng và phong phú.
Tôi nhớ, khi còn nhỏ, năm nào cũng chờ đợi để được xem những bộ phim hay của Việt Nam như các tập phim Ván bài lật ngửa, hay đợi đến gần 7 giờ tối để mang ghế xếp hàng xem chương trình Những bông hoa nhỏ với Hãy đợi đấy, thì giờ đây, nhiều người bội thực vì không biết phải lựa chọn xem phim gì, kênh nào...
Tuy nhiên, không phải tất cả đều là màu hồng. Cuộc sống luôn thay đổi khiến văn hóa cũng phải tìm cách ứng phó. Kinh tế thị trường có những lợi ích nhất định nhưng cũng có nhiều hệ lụy để lại cho xã hội. Đó là sự sùng bái những giá trị vật chất một cách thái quá mà đôi lúc không để tâm đúng mức tới những giá trị tinh thần; chú ý quá nhiều đến cái tôi cá nhân mà nhiều khi quên đi tập thể; đồng tiền len lách vào mọi mối quan hệ xã hội, kể cả các mối quan hệ tinh thần, tâm linh. Mở rộng hợp tác quốc tế cũng tương tự như vậy. Bên cạnh tinh hoa văn hóa thế giới cũng là những thứ hào nhoáng, lấp lánh nhưng vô giá trị, không phù hợp, thậm chí làm băng hoại giá trị văn hóa dân tộc.
Chưa bao giờ chúng ta thấy có nhiều lễ lạt, kỷ niệm theo kiểu của nước ngoài ảnh hưởng lớn đến thị hiếu, lối sống của giới trẻ như bây giờ. Khi quá đam mê hướng ngoại, văn hóa dân tộc cũng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, lãng quên. Thêm vào đó, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Internet đã đưa một thế giới nữa xen vào cuộc sống của con người. Thế giới ảo có những nguyên tắc, lối sống, ngôn ngữ, thói quen, hay nói cách khác là văn hóa mạng khác với những gì chúng ta từng biết. Mặt trái của văn hóa mạng là những hành xử thiếu tôn trọng, rất nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc, không thể hiện trách nhiệm đối với người khác và ngay cả với chính bản thân mình. “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Nguy cơ đồng hóa, vong bản đang rất rõ ràng trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế, như một đại biểu Quốc hội vẫn nhắc: Ước gì kinh tế như bây giờ, ứng xử văn hóa như ngày xưa! Điều đó chứa đựng mong ước về một thời kỳ không bị “xâm lăng” văn hóa, không bị nhập siêu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, và khi những giá trị đạo đức truyền thống được coi trọng, là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước.
Nghệ thuật nước ta cũng có nhiều phát triển nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức, có cả những thách thức phi truyền thống. Nếu như nền nghệ thuật truyền thống luôn đề cao giá trị khuyến giáo đạo đức, là kênh trao truyền những giá trị, khuôn mẫu ứng xử từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những câu ca dao, hò vè, chèo, tuồng, cải lương, hay nhìn chung là dân ca, dân vũ với những chủ đề như trung quân, ái quốc, tam tòng, tứ đức, tam cương, ngũ thường,… đã giữ cho truyền thống văn hóa tiếp nối liên tục, thì nền nghệ thuật cách mạng đưa thêm hơi thở mới của cuộc sống, làm sâu sắc hơn giá trị yêu nước, đoàn kết và quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Văn học, nghệ thuật đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội. Giờ đây, bối cảnh xã hội mới đã khiến văn học, nghệ thuật chịu ảnh hưởng rất lớn và phải thay đổi theo thời cuộc. Cách thức của chúng ta trông chờ vào văn học, nghệ thuật vẫn như vậy, chủ yếu trách nhiệm tinh thần là chính. Nhưng một xã hội giải trí của nền kinh tế thị trường buộc văn học, nghệ thuật phải thay đổi ít nhiều để thích nghi với cuộc chơi mới. Sự giằng xé giữa một bên là đòi hỏi đề cao những giá trị tinh thần cao cả và một bên là chiều theo thị hiếu số đông để đi tìm kiếm lợi ích vật chất không phải lúc nào cũng tìm được điểm cân bằng. Điều này dẫn đến những tranh luận không hồi kết đối với những sản phẩm nghệ thuật, cụ thể như phim Đất rừng phương Nam vừa qua là một ví dụ như thế, hay trước kia là những tranh cãi về dòng phim thị trường và phim nghệ thuật khi những bộ phim như Lọ Lem hè phố hay Gái nhảy lúc mới xuất hiện.
Không chỉ trong điện ảnh - vốn dễ nổi và nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn - âm nhạc, hội họa, văn học… đều có những tranh luận tương tự. Chúng ta bắt đầu đặt ra câu hỏi như: Tại sao, giờ đây, những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn không xuất hiện? Do chúng ta thiếu nhân tài, đầu tư chưa xứng tầm, kiểm duyệt thái quá hay thiếu môi trường khuyến khích sáng tạo…? Công nghiệp giải trí được xem như câu trả lời chung cho tất cả những thắc mắc này.
Không chỉ là câu chuyện tiền nong
Nhiều người hỏi tôi rằng, Việt Nam đã thực sự có công nghiệp giải trí hay chưa? Câu trả lời của tôi vẫn luôn vậy: Vừa CÓ, vừa KHÔNG. CÓ là vì nếu xem công nghiệp giải trí gồm những ngành như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu,… thì rõ ràng là chúng ta đều có cả. KHÔNG là bởi để trở thành ngành công nghiệp giải trí thì phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, có sự liên kết của cả 4 khâu: Tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành này. Điều đó, chúng ta lại chưa có, hoặc ở giai đoạn ban đầu của quá trình chuyên nghiệp, rất lỏng lẻo trong liên kết giữa các khâu. Ví dụ như, người nghệ sĩ thì ít am hiểu giá trị văn hóa của dân tộc để có thể khai thác một cách hiệu quả, cũng không có nhiềukiến thức về công nghệ và kỹ năng kinh doanh để có thể xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả cho mình. Người đạo diễn cũng tương tự, ít kiến thức về xây dựng thương hiệu cho bộ phim và cho chính bản thân mình, chưa biết cách phát triển khán giả cho tác phẩm của mình. Ngoài chuyên môn nghề nghiệp, trong công nghiệp giải trí, mọi người chủ yếu hoạt động bằng kinh nghiệm là chính. Thế nên mới có chuyện, nhiều bộ phim, vở kịch, bài hát bùng nổ một thời gian, rồi cũng chỉ trở thành một hiện tượng, chứ chưa trở thành một xu hướng. Những bài hát như See tình hay Vũ điệu rửa tay, Ghen Covi chỉ là những hiện tượng hiếm hoi, vụt sáng rồi vụt tắt, chưa dẫn dắt nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Chúng ta cũng chưa có được những tên tuổi lớn về nghệ thuật được công chúng khu vực và thế giới ghi nhận. Nhận diện về văn học, nghệ thuật Việt Nam ngay ở khu vực cũng rất mờ nhạt, chưa thể vươn tới tầm thế giới. Đây là lý do, khi chứng kiến hai đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội, chúng ta lại càng lo lắng cho ngành công nghiệp giải trí của đất nước.
Chúng ta cũng cần suy nghĩ nhiều hơn về việc xây dựng một môi trường hỗ trợ cho sáng tạo văn học, nghệ thuật gồm một khung pháp lý thuận lợi trong cả bảo vệ bản quyền, thuế, đất đai, hợp tác công tư,…; giáo dục và nâng cao nhận thức, thị hiếu nghệ thuật; phát triển các không gian sáng tạo; đầu tư cơ sở hạ tầng cho công nghiệp giải trí; đào tạo nhân lực; hợp tác quốc tế;… để tạo điều kiện cho công nghiệp giải trí phát triển đúng tầm, tương xứng với tiềm năng của đất nước. Khi chúng ta phát triển công nghiệp giải trí, đây không chỉ là câu chuyện của việc thu lại bao nhiêu tiền cho đất nước, mà còn là việc đưa những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, để chúng ta khẳng định giá trị, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra rất sôi động. Khi chúng ta xây dựng vững chắc sức mạnh mềm từ công nghiệp giải trí, chúng ta sẽ kể tốt câu chuyện về Việt Nam, thể hiện tốt hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, truyền bá tốt tiếng nói Việt Nam, cung cấp trí tuệ Việt Nam và phương án Việt Nam cho không chỉ văn học, nghệ thuật, mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Đó chắc chắn là ước mơ lớn của dân tộc ta!
“Khi chúng ta phát triển công nghiệp giải trí, đây không chỉ là câu chuyện của việc thu lại bao nhiêu tiền cho đất nước, mà còn là việc đưa những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, để chúng ta khẳng định giá trị, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra rất sôi động”. |
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN