Mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột qụy

VH- PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mùa lạnh là thời điểm bệnh nhân đột qụy gia tăng đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân đột qụy, tăng khoảng 5-10% so với ngày thường.

Bà Nguyễn Thị M. (75 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Hà Nội) được đưa vào Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải và không nói được. Rất may, sau khi phát hiện gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện vào giờ thứ 2 sau đột qụy (0-6h là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho các bệnh nhân đột qụy bằng thuốc tiêu sợi huyết). Bệnh nhân nhanh chóng được khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính và được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường. Theo người nhà bà M. trước đó bà có đi bộ tập thể dục buổi tối và đã xảy ra vụ việc.

Mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột qụy - Anh 1

 PGS.TS Mai Duy Tôn khám cho bệnh nhân bị đột qụy

PGS Mai Duy Tôn cho biết, rét đậm kéo dài, số bệnh nhân bị bệnh đột qụy và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do ba nguyên nhân: Trời lạnh, huyết áp sẽ tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột qụy; Thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn - đó cũng là nguyên nhân gây đột qụy. Trong môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nên trước đó dễ bị đột qụy hơn. “Trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay, bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột. Nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột. Những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột qụy”, đại diện Khoa Cấp cứu A9 chia sẻ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện người bệnh bị đột qụy tại nhà, người thân nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột qụy. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, để nửa ngày hoặc vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra. Một điều cần lưu ý là tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt.

Nguyên Khang

 

Ý kiến bạn đọc