Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 - 2024):

Xa nhà chốc mấy mươi niên...

DUY TRỌNG (Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

VHO - Chỉ đôi câu thơ ngắn nhưng đã chất chứa bao điều về tình cảm với gia đình, với quê hương, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bất chợt trên chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, nơi đất khách quê người Thái Lan, Người được nghe tiếng ru con của người mẹ Việt kiều...

Xa nhà chốc mấy mươi niên... - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương Nghệ An năm 1957 Ảnh: TƯ LIỆU

Tuổi 20 ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba mấy thập kỷ rồi về trực tiếp lãnh đạo nhân dân giành độc lập, người trai chí lớn của làng Sen trở thành người đứng đầu đất nước, trên cương vị cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam, bộn bề việc nước, nén cả tình riêng, nhưng trong trái tim bao la của Người vẫn có góc thẳm sâu dành cho gia đình, quê hương.

Hiếu thảo cha mẹ, yêu quý anh em...

Ai cũng vậy, nếu không biết yêu quý, hiếu thảo với cha mẹ, người thân thì làm sao có tình thương yêu và sự cảm thông đối với nhân loại. Những năm tháng lênh đênh trên con tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước, Người vẫn đau đáu về cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc nơi quê nhà. Từ nước ngoài, Người đã gửi thư về hỏi thăm tin tức của cha. Những tháng lương đầu tiên từ nghề phụ bếp trên tàu, Người cũng gửi biếu cha: “Ngày 31.10.1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 09.11.1911” (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQGST, H.2016).

Những kỷ niệm buồn khi ở Huế, người mẹ - bà Hoàng Thị Loan mất trong lúc cha vắng nhà, em Nguyễn Sinh Xin khát sữa khóc đòi mẹ đã hằn sâu trong trái tim Hồ Chí Minh, để sau này có lúc nghe tiếng trẻ khóc, Người lại nhớ tới tiếng khóc của đứa em bé bỏng năm xưa. Có những câu chuyện cảm động về người mẹ tần tảo, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho gia đình..., sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kể cho anh em cán bộ, cảnh vệ làm việc gần bên Người. Một lần, trên đường đi thăm HTX trồng cây ở Quảng Oai (địa danh tại tỉnh Sơn Tây trước đây, nay thuộc TP Hà Nội), Người đã nhắc đến mẹ. Thấy một đoàn các em bé gái cổ quàng khăn đỏ, em mặc áo hoa, em mặc áo trắng, tay cắp sách vừa ở trong trường ra, líu ríu như chim sổ lồng, Người nói với đồng chí Vũ Kỳ và các chú ngồi cùng xe: “Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ phấn khởi, Bác mừng cho các cháu”. Rồi giọng Bác trầm hẳn xuống: “Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà”. Mọi người cùng lặng đi trước tình cảm của Bác dành cho mẹ.

Tháng 9.1950, nghe tin anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, do hoàn cảnh kháng chiến không thể về chịu tang anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức điện chia buồn gửi dòng họ Nguyễn Sinh. Toàn văn bức thư trĩu nặng một tâm tình: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Rồi bức ảnh nấm mộ cha ở Đồng Tháp mà các đồng chí giúp việc tìm thấy trên giá sách trong phòng làm việc tại tầng hai ngôi nhà sàn nơi Bác ở, sau ngày Bác đi xa; bức điện báo tin chị gái Nguyễn Thị Thanh qua đời ở quê nhà mà Bác không kịp về chịu tang và cũng không kịp gửi cả điện chia buồn đã làm Người day dứt... Những tình cảm ấy của Bác chắc chỉ những cán bộ rất gần Bác mới có thể biết được.

Thương nhớ người xưa, cảnh cũ...

Với quê hương Nghệ An, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được Người biểu đạt trực tiếp trong lần đầu tiên về thăm quê (1957): “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”.

Năm 1906, Hồ Chí Minh theo cha rời Nghệ An vào Huế. Có lẽ chính bản thân Người cũng không nghĩ rằng lần tạm biệt này phải đến 51 năm sau mới quay trở lại. Tháng 10.1946, đoàn đại biểu Nghệ An ra Hà Nội họp kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm ngay hôm đoàn vừa tới. Mọi người bất ngờ, xúc động phát khóc. Bác cũng bồi hồi cảm kích trước cảnh sum vầy, hàng chục năm trời xa cách, nay mới gặp được đồng hương. Nhưng Bác đã rất nhanh chóng lấy lại không khí vui vẻ, chan hòa, Người nói: “Tôi đến thăm đoàn đại biểu quê nhà thì các đồng chí phải vui chứ răng lại khóc rứa? Thôi ai có câu chuyện chi ta kể cho nhau nghe mô”. Cả đoàn thật không ngờ khi Bác đi xa quê lâu gần nửa thế kỷ mà vẫn còn giữ tiếng nói quê cha đất tổ.

Ngày 27.10.1946, chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Thanh ra thăm Người ở Hà Nội, bà hỏi: “Chị muốn biết khi nào cậu về thăm quê được?”. Người đưa mắt nhìn ra cửa sổ một lát, rồi trả lời: “Chị ơi, em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Ngày 3.11.1946, anh trai Người ra Hà Nội thăm cũng hỏi: “Chú có ý định khi nào về thăm quê?”. Người đáp: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”. Người cũng hứa với ông cả Khiêm là sẽ về thăm quê.

Lời hứa với anh chị năm 1946, mãi 11 năm sau Người mới thực hiện được. Ngày 14.6.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê nhà lần đầu tiên. Hơn 50 năm đi xa mới trở lại, Bác vẫn nhắc đến những tên người cũ, thăm hỏi cặn kẽ những thay đổi, ai mất, ai còn và kể lại chuyện xưa. Người nhớ từ đồ vật trong nhà, cái cây ngoài vườn, lối vào ngõ nhỏ, giếng nước, bờ ao... gắn bó với tuổi ấu thơ của mình bên ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con chòm xóm.

Ngày 9.12.1961, quê hương Nghệ An lại náo nức đón Bác về thăm lần thứ hai. Lần này, Bác về quê ngoại ở làng Hoàng Trù trước. Bác vào nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác), đi từ gian này đến gian kia, nơi thân mẫu Bác ra đời, chiếc án thư nơi cụ Đường ngồi giảng sách. Vào ngôi nhà tranh ba gian ở phía tây, nơi Bác và anh, chị mình đã cất tiếng khóc chào đời, được bồng bế nâng niu bởi ông bà, cha mẹ trong những ngày thơ ấu… Bác vô cùng xúc động, cảnh vật và kỷ niệm cũ còn đó, mà những người thân yêu đã đi xa, mắt Bác rưng rưng.

Những năm tháng về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có điều kiện để về thăm quê hương Nghệ An, nhưng trong trái tim Người vẫn dành phần sâu nặng cho quê nhà. Dù đi khắp bốn phương trời, thông thạo nhiều thứ tiếng, Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ trầm ấm, chân chất, vang vọng. Người còn thuộc nhiều làn điệu hát ví, hát dặm, hát phường vải, từ cách phát âm, đến cách luyến láy một số từ địa phương. Trong bữa ăn thường nhật, Người ưa món tương, cà, nhút, vừng... Hình bóng quê hương còn hiện diện nơi Bác ở trong khu Phủ Chủ tịch với những hàng rào râm bụt đỏ hoa, hàng cau thẳng tắp, những vườn rau, vườn trái cây, ao cá...

Có thể nói, những giá trị văn hóa dân tộc đẹp đẽ, nhân văn vẫn luôn song hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho Người, cũng chính là bài học sâu sắc mà Người đã để lại cho các thế hệ mai sau: Tất cả mọi tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương tha thiết!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc