Tinh giản bộ máy:
Tránh tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại“
VHO - Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội vào chiều 15.2, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cảnh báo về nguy cơ chảy máu chất xám trong việc tổ chức tinh gọn bộ máy, có thể dẫn tới tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại” dẫn đến bộ máy “tuy có gọn nhưng không tinh”.

Góp ý cho đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Thu cho biết, bà thống nhất với dự báo bối cảnh, tình hình và mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, được Chính phủ đề xuất tại Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
"Trong tờ trình và Đề án của Chính phủ cũng đã chỉ ra 4 điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng. Trong đó nhấn mạnh việc phải có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Cùng với đó, cần phải tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn mà các đại biểu đã phát biểu trong các phiên thảo luận trước", đại biểu Thu nói.
Bà cũng cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được các cấp triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương trong thời gian qua đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, sự tán đồng của cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên cũng là những con người nên việc họ có tâm tư khi lợi ích bị ảnh hưởng là điều có thể hiểu được. Không ai vui khi đơn vị của mình bị kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, bản thân không giữ được vị trí chủ chốt như trước, thậm chí phải chuyển sang làm chuyên viên hay ra khỏi biên chế.
"Và một nguy cơ cũng rất cần phải được quan tâm trong việc tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là việc chảy máu chất xám; tránh tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại” dẫn đến bộ máy “tuy có gọn nhưng không tinh”. Nên cần phải có giải pháp để giữ chân người tài, người có năng lực thật sự để bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả trong việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội.
"Tôi rất đồng tình với nguyên tắc xây dựng chế độ, chính sách phải bảo đảm công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động", đại biểu Thu bày tỏ.

Cũng góp ý cho đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết, ông thống nhất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% lên 8% như dự thảo, vì đây là mong muốn của cả đất nước, tạo đà cho phát triển các năm sau nhất là chúng ta đang chuẩn bị đầu tư nhiều công trình lớn và đặc biệt của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, sân bay Long Thành, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều công trình quan trọng khác.
"Về các giải pháp, tôi thống nhất với các giải pháp tăng bội chi ngân sách lên 5%, giải pháp này sẽ tạo thêm khoảng 100.000 ngàn tỷ cho đầu tư công. Theo tính toán 1 đồng đầu tư công sẽ huy động thêm 10 đồng đầu tư, tư nhân do vậy tăng bội chi là cần thiết", đại biểu Duy Thanh phát biểu và cho rằng, muốn đạt con số 8% và hướng tới đạt 2 con số thì doanh nghiệp phải mạnh, phải lớn, doanh nghiệp mạnh thì cần nguồn vốn kích cầu để phát triển sản xuất kinh doanh đạt doanh thu nộp ngân sách nhà nước.

Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Sùng A Lềnh thay mặt cử tri và Nhân dân tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh có tuyến đường sắt đi qua nói chung, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, Ngành Trung ương đã quan tâm và trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại kỳ họp này. Đây là một quyết sách quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Miền Bắc nước ta.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phù hợp các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, thực sự cần thiết.
Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng kinh tế của Việt Nam và quốc tế, mở ra cơ hội lớn để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tiết kiệm chi phí logistics; giảm tải giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển xanh, bền vững phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Để đảm bảo tiến độ theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm hai cơ chế, chính sách. Một là, về hỗ trợ để ổn định chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất cho Nhân dân, đề nghị cho phép UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định.
Hai là cho phép UBND cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 ngày 26.11.2024, có hiệu lực trước ngày Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn kể từ ngày 01.7.2025.

Cũng góp ý cho dự án này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, ông cơ bản đồng tình và góp ý vào nhiều nội dung cụ thể. Trong đó về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan, đại biểu cho rằng, dự án đường sắt Lào Cai- Hà Nội - Hải Phòng được lập phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt, phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tại các địa phương.
"Về phương án tuyến, tuyến đường sắt chạy song song và bám sát với đường bộ cao tốc Nội Bài - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng, tôi đồng tình. Tuy nhiên, việc tuyến đường sắt bám sát với đường cao tốc sẽ làm hạn chế việc bố trí các ga và kết nối ga với mạng lưới giao thông tại các địa phương. Do vây, tôi đề nghị quan tâm tới việc kết nối giữa ga với các tuyến đường hiện có và các tuyến đường có quy hoạch của mỗi địa phương", đại biểu Tiến đề nghị .