Trăn trở cho đầu tư văn hóa
VHO- Trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội sáng qua 31.10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đề xuất bảy giải pháp để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có giải pháp “Tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực” đã nhận được nhiều sự đồng tình của cử tri và các đại biểu Quốc hội.
Nhìn lại các nguồn đầu tư cho văn hóa cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các năm 2014 - 2015 và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Tuy nhiên trong những năm gần đây, kinh phí của chương trình ngày càng hạn hẹp nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa của các địa phương. Đồng thời, theo phương thức giao vốn đầu tư phát triển hiện nay thì Bộ VHTTDL không được hiệp y để thống nhất việc đầu tư theo mục tiêu, đối tượng của chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mới đây, Bộ VHTTDL đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương khoa học công nghệ); nhất là đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghệ thuật truyền thống.
E rằng đó cũng chỉ là con số ước vọng. Cách đây 15 năm, tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó chỉ đạo “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước”. Tuy nhiên trên thực tế, giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa 15.354,2 tỉ đồng (kế hoạch năm 2017 và năm 2018 chưa bao gồm ngân sách địa phương), chỉ chiếm 1,71% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước. Nhiều người chua chát, thôi 5 năm nữa phấn đấu đạt con số đề ra của 15 năm trước cũng là được lắm rồi!
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu một thực trạng đáng buồn khi nhiều đại biểu thường không mặn mà với đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa… Âu cũng là thường tình. Một thực tế không mấy vui khi đâu đó văn hóa vẫn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách.
Chúng ta thường nói đến suy thoái về kinh tế nhưng suy thoái về văn hóa, đạo đức lối sống mới là cái đáng lo. Muốn chống phải xây. Vực lại những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; tôn tạo, xây dựng các cơ sởthiết chếvăn hóa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghệ thuật truyền thống... Rất cần một nguồn lực tương xứng để hiện thực hóa tất cả chính sách đó. Dĩ nhiên để văn hóa nước nhà phát triển thì không phải chỉ có tiền, nhưng như các cụ nói, trước hết, “có thực mới vực được đạo”.
Đã qua rất lâu rồi cái thời “cờ, đèn, kèn, trống”. Đầu tư cho văn hóa không chỉ mang lại giá trị bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống mà còn đem lại nguồn thu không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương hiện nay, nhất ở lĩnh vực di sản và công nghiệp văn hóa. Các nước đã làm. Chúng ta đã làm và cũng làm được. Vấn đề còn lại là có chịu đổi mới tư duy, đầu tư xứng tầm không mà thôi.
PHAN THANH NAM