Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Gia Lai
VHO - Ngày 6.1, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12.2024.
Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Gia Lai ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dự ước đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 30,51%; số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 47,75%.
Bình quân hàng năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,11%, thu ngân sách tăng 7,03%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,94%.
Năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 3,28%, GRDP bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng (tăng 7,45 triệu đồng so với năm 2023)...
Để tạo động lực giúp Gia Lai tăng tốc, bứt phá trong thời gian đến, tỉnh Gia Lai đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách, tiêu chí cụ thể để bố trí đủ vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên tập trung thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, các dự án trọng điểm, liên kết của vùng như: Nâng cấp Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; đầu tư xây dựng cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; cao tốc Bắc - Nam phía Tây; tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên; tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea H’Leo (Đắk Lắk); tuyến đường nối Gia Lai - Phú Yên…
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn chỉnh hồ sơ đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn -Pleiku để khởi công trước tháng 8.2025, phấn đấu dự án có thể đi vào khai thác, sử dụng trong nửa đầu nhiệm kỳ sau.
Mặt khác, quan tâm, xem xét nâng tỷ lệ bổ sung ngân sách cho Gia Lai lên mức trung bình của 10 tỉnh có tỉ lệ bổ sung cao nhất. Đồng thời, đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, đề nghị áp dụng các chính sách ưu tiên đặc thù, nâng mức bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ 30% lên 40%.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và PTNT… ngoài việc thông tin hỗ trợ Gia Lai về bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển các dự án trọng điểm trên địa bàn còn đề xuất Tổng Bí thư những phương án, cơ chế tháo gỡ, giải quyết những khó khăn đối với các dự án trọng điểm như: Cao tốc đường bộ Quy Nhơn - Pleiku; triển khai dự án quy hoạch Cảng Hàng không Pleiku giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuyến đường kết nối Gia Lai - Đắk Lắk… Bên cạnh đó, tháo gỡ vướng mắc để các dự án điện gió đưa vào khai thác, chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác; chuyển đổi vùng tưới của thủy lợi Ia Mơr...
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua.
Để Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Tổng Bí thư đề nghị Gia Lai rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Gia Lai bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế Gia Lai một cách sâu sắc, toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính:
Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, có năng suất, chất lượng cao, phát triển vùng chuyên canh, xây dựg chuối giá trị nông sản, quy trình sản xuất an toàn gắn với chế biến sâu, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng... thu hút đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, các nhà máy chế biến, giảm thiểu xuất khẩu thô.
Phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên, đưa Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp vào thương hiệu du lịch Việt Nam. Gắn du lịch, dịch vụ với các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện hệ thống an sinh xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40 - CT/TW, ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; chuẩn bị tốt các điều kiện để Nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi.
“Các kiến nghị, đề xuất của tỉnh rất xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, từ khát vọng vươn lên của Đảng bộ tỉnh; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương cũng đã có ý kiến trao đổi, đa số đồng tình ủng hộ. Tôi ghi nhận và đề nghị Chính phủ, Bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm quan tâm xem xét, có hướng giải quyết cụ thể các kiến nghị của tỉnh”, Tổng Bí thư nói.
Dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã trao tặng xã Glar, huyện Đak Đoa công trình Trạm Y tế trị giá 5 tỷ đồng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương.