Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thích ứng với tình hình mới, nghiên cứu bổ sung trường hợp miễn thị thực

TÙNG QUANG

VHO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 10.3.2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thích ứng với tình hình mới, nghiên cứu bổ sung trường hợp miễn thị thực - ảnh 1
Tại nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đột phá, chủ động, tích cực triển khai nhiều nhóm biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác. Ảnh: VGP

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược tiếp diễn gay gắt hơn; nhiều yếu tố mới nảy sinh, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới tiếp tục gia tăng;

Một số nước thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đột phá, chủ động, tích cực triển khai nhiều nhóm biện pháp thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các nước lớn;

Tổ chức 8 hội nghị với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quý I năm 2025, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, ASEAN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025 và phấn đấu hai con số trong những năm tới.

Để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác với các nước trên thế giới.

Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện;

 Tăng cường tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông theo chuyên đề về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, cách mạng về cải cách bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…;

Các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước (các thành tựu về ngoại giao, kinh tế; các chương trình an sinh xã hội như xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà ở xã hội cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…) để tăng cường hiểu biết, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu bổ sung trường hợp miễn thị thực, tạo điều kiện miễn hoặc rút gọn giấy phép lao động.

Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm quan tâm của các đối tác về giấy phép lao động, thị thực, trong đó:

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung các trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời đẩy nhanh đàm phán miễn thị thực song phương đã thống nhất với các đối tác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.

Bộ Công an chủ trì rà soát, tổng hợp các chính sách ưu đãi về thị thực của Việt Nam đối với từng đối tượng (khách du lịch, chuyên gia, tỷ phú, nhà khoa học, các nhân vật nổi tiếng, các nghệ  sĩ, vận động viên thể thao tài năng…);

Bao gồm các cơ chế xem xét cấp thẻ tạm trú, thị thực điện tử, mua thẻ cư trú..., đề xuất giải pháp cải tiến và thực hiện hiệu quả các chính sách này theo hướng tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, trong đó có việc nâng cấp hệ thống e-visa theo hướng ngày càng thuận lợi, dễ tiếp cận, đơn giản, thông thoáng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2025.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP và Nghị định 70/2023/NĐ-CP và các quy định khác (nếu có) liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, đề xuất sửa đổi theo hướng tạo điều kiện miễn giấy phép lao động hoặc rút gọn thủ tục cấp giấy phép lao động cho các đối tượng thuộc lĩnh vực cần ưu tiên, tranh thủ, bảo đảm thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, thông thoáng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2025.