“Thư, nhật ký thời chiến”: “Bom đạn không thể làm rung chuyển trái tim chúng con”
VH- Một buổi khai mạc thấm nhiều xúc cảm. Nước mắt, nghẹn ngào, tâm trạng…, những cảm xúc ấy đã đến không chỉ với thân nhân các liệt sĩ, chiến sĩ đã hi sinh xương máu trong chiến tranh, vì nền độc lập dân tộc mà còn với rất nhiều du khách đến thăm triển lãm.
Những trang giấy nhòe mờ dấu vết thời gian, nhưng ở đó vẫn hiển hiện rõ nhịp đập của cuộc sống nơi chiến trường, nơi có những đau thương, mất mát nhưng luôn ngập tràn lý tưởng, tình yêu và nỗi nhớ thương da diết. Ở hai đầu nỗi nhớ, những lá thư, trang nhật ký của những người con, người chồng, người vợ, người yêu luôn hướng về những khúc ruột thương yêu của mình, và đến hôm nay, tất cả đã trở thành kỷ vật.
Không phải bởi thời gian mà bởi vì nước mắt
Khai mạc ngày 26.4 , triển lãm “Thư, Nhật ký thời chiến” với gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật vô giá được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) đang thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đứng lặng hồi lâu trước cuốn nhật ký cũ nhòe của anh trai- liệt sĩ Đỗ Đình Xô (chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9), bà Đỗ Kim Định, em gái liệt sĩ lặng lẽ rơi ước mắt. Chỉ tay vào những dòng chữ nhòe mờ của người anh để lại, bà Định nghẹn giọng: “Cuốn nhật ký này trước đây vào mỗi dịp lễ Tết, khi anh không về, chị em chúng tôi lại mang ra đọc. Những trang giấy đã ố vàng kia, không phải bởi thời gian mà bởi vì nước mắt của chị em chúng tôi và những người thân của anh đấy”.
Ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, mỗi trang nhật ký chiến trường cũng đong đầy tâm tư, tình cảm, tinh thần lạc quan và ý chí, lý tưởng cao đẹp của những chiến sĩ trong cuộc chiến ác liệt với kẻ thù. Mỗi trang viết cũng hằn sâu một thế giới nội tâm da diết, gửi gắm những điều tưởng chừng giản dị mà xa xôi, là những khát khao thương nhớ, những phút giây ngắn ngủi được gặp vợ, gặp con rồi lại chia tay lên đường đi chiến đấu. Trong những trang nhật ký của mình, liệt sĩ Đỗ Đình Xô viết: “Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang đợi chờ chiến thắng vào chúng tôi. Dù sao chúng tôi phải dấn bước lên đường, dù ngày mai người còn, người mất… Cậu mợ (bố mẹ- PV) hãy yên lòng nén nhớ mong những tháng năm chờ đợi…”.
“Cuốn nhật ký sau này đã được xuất bản thành sách. Nhiều người đọc đã đánh giá cao giá trị văn học của cuốn nhật ký. Còn chúng tôi, ngày trước chỉ mở ra đọc những trang viết để nguôi nỗi nhớ anh. Sau này mới thấm những áng văn, những da diết trong thế giới nội tâm của anh mình”, bà Định xúc động kể lại.
Rất nhiều trong số gần 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật trĩu nặng tâm tình người lính tại triển lãm đã níu bước chân người xem thật chậm trong dòng hồi ức của những thước phim lịch sử giàu chất liệu. “… Ở nơi cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, hằng ngày bên các đồng chí, anh có thể khắc phục được tất cả… Song đôi khi anh vẫn thấy thiếu thốn về tình cảm, đó cũng là tâm trạng chung của những người đi xa, anh nhớ em…”, nhật ký của đồng chí Hoàng Quang Hưng (Đội điều trị 51, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần) viết.
Vượt trên những khó khăn, gian khổ, hi sinh, mỗi trang thư, mỗi dòng nhật ký đặc biệt luôn ánh lên tinh thần thép của những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Nhậtký của đồng chí Nguyễn Bá Hạnh (chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng, Quân khu 5) viết: “Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được, đó là mục tiêu lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính Cụ Hồ”.
Những cuốn nhật ký trở về
Cùng với nội dung giới thiệu một số thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội cổ vũ các cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để giành độc lập, cuốn hút và mang đến nhiều xúc cảm với người xem là hai nội dung trưng bày: Thư thời chiến và Nhật ký thời chiến.
Trưng bày những cánh thư từ chiến trường gửi về hậu phương và của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến, dù mỗi người một bối cảnh, tâm thế, trạng thái riêng nhưng tất cả đều là những lăng kính soi chiếu cuộc sống, cuộc chiến đấu, với những tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương da diết; là lời động viên, căn dặn người thân ở hậu phương yên tâm để các anh vững tay súng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Lãng mạn hóa chiến tranh để làm yên lòng người mẹ, thư của liệt sĩ Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) gửi mẹ ngày 19.7.1968: “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ!...”.
Thư của Thượng úy Đỗ Sâm, Phòng Pháo binh, Bộ Tham mưu Quân khu 5 gửi vợ trước khi lên chiến trường Tây Nguyên (tháng 4.1968) có đoạn: “… Em hãy luôn tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở trên tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục”.
Đáp lại những cánh thư gửi về từ chiến trường, thư hậu phương gửi ra tiền tuyến cũng mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. “… em chỉ mong anh tích cực công tác, nắm chắc tay súng giữ lấy Cồn Cỏ thân yêu, quyết không để quân thù cướp lấy…, anh giữ lấy đảo như giữ lòng chung thủy của em không để cho một ai cướp mất”, thư của chị Phạm Thị Hiền ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị gửi chồng là chiến sĩ Võ Văn Phương (Đại đội 32, Trung đoàn 270, Quân khu 4) viết.
Bên cạnh những trang thư là những cuốn nhật ký đã loang ố màu thời gian, nhưng ở đó vẫn vẹn nguyên lý tưởng của người lính cầm súng trong mưa bom, bão đạn hay trong những giây phút sinh tử cận kề. Đáng chú ý là phần trưng bày những cuốn nhật ký trở về: Nhật ký “Chuyện đời” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, sách nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, nhật ký bằng tranh của chiến sĩ, họa sĩ Lê Đức Tuấn, nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam… Đó là những cuốn nhật ký của cán bộ chiến sĩ do chiến tranh thất lạc đã được những người lính bên kia chiến tuyến lưu giữ. Những trang nhật ký đầy lửa và chất thép đã cảm hóa, thức tỉnh và dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến tìm kiếm, trả lại những báu vật vô giá cho chủ nhân hoặc thân nhân của nó. Nhiều năm qua, bằng con đường ngoại giao và thông qua một số dự án, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã đưa những kỷ vật chiến tranh, trong đó có cả những cuốn nhật ký của chiến sĩ Quân Giải phóng Việt Nam được trở về đất mẹ.
“Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được, đó là mục tiêu lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính Cụ Hồ”. Nhật ký của đồng chí Nguyễn Bá Hạnh (chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng, Quân khu 5) |
NGUYỄN THU TRANG