Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc quản lý nhà nước về quảng cáo

TÙNG QUANG

VHO - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, chiều 6.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên họp.

Thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc quản lý nhà nước về quảng cáo - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản các cơ quan liên quan đã thống nhất ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15 gồm 3 khoản: Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; Khoản 3 quy định về nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; đồng thời bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh, do vậy, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình với quy định như dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).

Thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc quản lý nhà nước về quảng cáo - ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên họp

Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình, dự thảo Luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 vì thực tế người xem đã phải trả phí thuê bao cho việc xem truyền hình trả tiền. Ngoài ra, để hỗ trợ tạo nguồn thu, kinh phí bảo đảm cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng phục vụ người xem của Đài truyền hình Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quy định tại Luật Điện ảnh, dự thảo Luật giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện.

Đối với quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).

Riêng với quảng cáo xuyên biên giới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, yêu cầu các chủ thể liên quan thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ và các hình thức khác để xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Ngoài ra, đối với nội dung về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng ghép Điều 4 và Điều 5 thành 1 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan.

Thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc quản lý nhà nước về quảng cáo - ảnh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đối với nội dung về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời giao cho Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ thuật, đảm bảo quy định về nguyên tắc nhưng cũng phải đủ rõ để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể khi tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo về các sản phẩm liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quảng cáo trên mạng, bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Theo đó, cần phải làm rõ việc thay đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo từ 1,5 giây lên 6 giây; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.

Cho ý kiến với dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ VHTTDLtrong thời gian qua; đồng thời, đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt... để Chính phủ ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn, không để bỏ sót nội dung sau khi ban hành luật, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Về quảng cáo mạng, xuyên biên giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp và hiện đại để hoàn thiện các quy định liên quan tại dự thảo Luật. “Phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng hiện đang xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại dự thảo luật, qua đó bảo đảm sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo này. “Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thống nhất việc quy định chung mang tính nguyên tắc quản lý nhà nước về quảng cáo - ảnh 4
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan cần phối hợp để liệt kê đầy đủ, chi tiết các thủ tục, giấy phép đã được lược bỏ khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành; tiếp tục rà soát để bảo đảm loại bỏ giấy phép, thủ tục phát sinh mới. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần phối hợp với Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan để rà soát, sửa đổi, chỉnh lý các quy định trong dự thảo Luật thật kỹ và chắc.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám để chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này để hoàn thiện quy định về các điều cấm đối với người có ảnh hưởng, người có uy tín thực hiện hoạt động quảng cáo; về nội dung quảng cáo… Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát các quy trình, thủ tục liên quan trong hoạt động quảng cáo để tiếp tục cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, rườm rà, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước đối với nội dung quảng cáo.