Viết tiếp bài Sao lại là "thả rông"?, về phát ngôn của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:

Thấy sai, thì nói lời xin lỗi

BẢO ANH - P.V

VHO - Sau bài Sao lại là “thả rông”? trên Văn Hóa (số 4131, ra ngày 23.12) trên chuyên mục “Văn hóa & Suy ngẫm” của tác giả Duy Phong, Tòa soạn đã nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn…, trong đó đề nghị Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cần lên tiếng phản hồi xung quanh cái gọi là “lỡ lời” của mình.

Thấy sai, thì nói lời xin lỗi - ảnh 1
Ảnh minh họa

 “Phát ngôn như thế thì cần phải sửa, xin lỗi”

Dù trong bối cảnh nào đi nữa thì một người lãnh đạo tầm cấp ngành của TP Hà Nội mà lại dùng từ “thả rông” phương tiện như ám chỉ đây là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông dai dẳng ở Thủ đô là điều rất khó chấp nhận. Văn hóa phát ngôn của lãnh đạo đòi hỏi phải có chuẩn mực, đúng đắn, bởi khi anh nói ra tức là anh đang truyền đi một thông điệp nào đó tới người dân.

Nếu không có sự chuẩn mực, trình độ trong phát ngôn thì sẽ gây ra nhiều nguy hại, như người dân hiểu sai rồi làm sai; như phát ngôn thiếu sự tinh tế, chọn lọc sẽ khiến người dân, dư luận bức xúc, thậm chí là coi thường người dân. Ở trong hoàn cảnh cụ thể, do ùn tắc giao thông kéo dài vì phương tiện tăng quá nhanh mà anh dùng từ “chúng ta “thả rông” phương tiện”, chứng tỏ trong quản lý của ngành mình, anh đang tỏ ra bất lực; từ ngữ thì khiếm nhã, thậm chí là xúc phạm. Tôi muốn nhắc lại ở đây một vấn đề, đó là: Ngôn ngữ là một chỉ dấu quan trọng của văn hóa. Các cụ ta đã dạy, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn nói là dấu hiệu rất quan trọng của văn hóa. Vì thế, đã là người lãnh đạo, ăn nói hay nói bằng ngôn ngữ thời thượng hiện nay là phát ngôn thì phải hết sức chuẩn mực, đúng đắn, thể hiện cho được văn hóa phát ngôn. Muốn như thế thì lãnh đạo cũng phải học.

Cái gọi là “thả rông” phương tiện như anh ta phát ngôn, dù trong bối cảnh nào cũng không phù hợp, nó phản cảm, cần phải sửa và xin lỗi.

(Nhà nghiên cứu lịch sử DƯƠNG TRUNG QUỐC)

“Thấy mình sai thì nói lời xin lỗi, mong được cảm thông”

Vừa qua, ý kiến của ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trong một hội nghị đã gây ra những ồn ào trên truyền thông và mạng xã hội. Tôi không được nghe trong văn cảnh, trong tư tưởng của ông nhưng qua báo chí thì thấy thế này: Ông nói đúng một thực trạng, nói đúng cả những bất cập khi nhà chức trách chưa có đủ giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân nên gây ra tình trạng ùn tắc thường xuyên. Nói cho công bằng, riêng ngành GTVT Hà Nội có giỏi như Tề Thiên Đại Thánh cũng không lo được vì đây là vấn đề lớn không chỉ của Sở GTVT, không chỉ của Hà Nội mà cần xử lý đồng bộ ở tầm vĩ mô. Khi phương tiện công cộng đủ và thuận lợi, người dân sẽ tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân. Nhưng đó là lý thuyết vì tôi chưa thấy ở nơi nào có điều đó, nhất là ở những thành phố “đông đặc” dân vì phương tiện cá nhân không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ mưu sinh.

Người ta ồn ào vì cách dùng từ của ông chưa chuẩn. Đành rằng làm công chức, quan chức, chính khách phải luôn chuẩn chỉ từ ăn mặc, hành vi, phát ngôn... Nhưng đó là mong muốn. Các vị ấy cũng là người. Vậy thì cũng có lúc sơ sẩy. Tôi nhớ có vị có tiếng tăm đã “mắng dân” rồi khi bị phản ứng còn tìm cách “mắng tiếp” bằng cách bóng gió. Đó là thái độ rất sai. Còn ông Giám đốc Sở GTVT nói một từ “không nhã” lắm trong văn cảnh ấy tuy không đẹp nhưng cũng không nên suy diễn nhiều. Các cụ dạy rồi “nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng”, nếu ông biết đến phản ứng của cộng đồng, thấy mình sai thì nói lời xin lỗi, mong được cảm thông. Tôi cũng đã có những lần lỡ lời, phải xin lỗi vì mình trót dại. Chuyện ấy cũng thường xảy ra và người ta dễ thể tất cho nhau.

(PGS.TS PHẠM QUANG LONG, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội)

“Lỡ lời cũng là một kinh nghiệm sâu sắc”

Phát biểu trước một hội nghị, khi đã ở cương vị một Giám đốc Sở, ngành thì cần phải suy nghĩ trước sau. Nghĩ nhiều lần mới nói một lần. Tôi cho rằng có những phản ứng trước phát ngôn của ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội với những ngôn từ như thế cũng là lẽ bình thường. Bởi đó có thể xem là ngôn từ “ngoài đường”, nói vui ở quán xá chứ không phải trong công sở, nhất là với một lãnh đạo phát biểu tại một hội nghị. Đó là sự nhầm lẫn không nhỏ trong môi trường sử dụng ngôn ngữ, thiếu sót của vị Giám đốc này. Chưa kể, về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt, “thả rông” cũng chỉ phù hợp lối nói đùa cợt, chớt nhả.

Gắn với văn hóa ứng xử, tôi thấy có hai nguyên nhân. Thứ nhất, Giám đốc Sở này chưa hiểu đầy đủ về nguyên tắc ứng xử trong một cuộc họp mang tính chất nghiêm túc, cần cân nhắc phát ngôn một cách chuẩn mực, chính xác. Thứ hai, nặng hơn thì có vẻ là vị lãnh đạo này đã xem thường những người dự họp, dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ như vậy. Tôi nói những điều này cũng một phần từ kinh nghiệm trong nhiều năm làm công tác quản lý ngành ở địa phương. Trong công tác lãnh đạo, điều hành thì tác phong, lề lối cũng như ngôn từ, phát biểu của người đứng đầu rất quan trọng. Quản lý, điều hành thì đương nhiên ngôn từ phải chính xác, khoa học, không nói nước đôi, đa nghĩa. Mệnh lệnh, chỉ đạo thì phải đúng là mệnh lệnh, chỉ đạo; đề ra giải pháp thì đó phải đúng là giải pháp, không thể chung chung, tạo “đất” cho người ta suy diễn.

Có ý kiến cũng nhìn nhận, có thể Giám đốc Sở GTVT đã lỡ lời. Tôi cho rằng, lỡ lời cũng là một kinh nghiệm sâu sắc cần đúc rút. Nghiêm túc, chuẩn mực, khoa học chính là điều tạo nên thương hiệu, phong cách của người lãnh đạo.

(TS TRẦN HỮU SƠN, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai)

 Tôi nghĩ ông Giám đốc Sở GTVT này muốn chơi chữ để thể hiện quyền lực của mình. “Thả rông” dùng trong trường hợp này thể hiện năng lực văn hóa và năng lực ứng xử kém của ông Giám đốc. Vừa coi thường người dân trong một vấn đề cụ thể là sử dụng phương tiện giao thông, vừa vượt trên phép tắc thể chế trong những quy định hiện hành của pháp luật cho phép người dân được sử dụng phương tiện tham gia giao thông một cách hợp pháp…

(Nhà văn PHẠM NGỌC TIẾN)

“Cách dùng từ thiếu cân nhắc của ông Giám đốc Sở đã gây nên sự hiểu lầm”

Bản thân chữ “rông” hay “rong”, đã có nghĩa là ở tình trạng buông thả, không bị ràng buộc, có thể đi lung tung khắp nơi. Bởi thế, hầu như mọi người Việt Nam nói tiếng mẹ đẻ đều hiểu chính xác từ “thả rông” có nghĩa là thả cho muốn đi đâu thì đi, trái nghĩa với “nhốt” (giữ ở trong chuồng, cũi, không cho tự do đi lại, hoạt động). Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt tôi có trong tay xuất bản từ trước 1945 đến nay (ở cả hai miền Nam, Bắc), như Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức); Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức); Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị); Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đều thống nhất giảng “rông” “thả rông” với nghĩa như trên, và lấy ví dụ: Chó chạy rông, Trâu bò thả rông, Lợn thả rông/ rong; Gà thả rông,… Tóm lại đây là một từ thường dùng cho các con vật nuôi vốn phải được quản lý, nuôi nhốt nhưng lại thả cho tự do muốn đi đâu thì đi, và dĩ nhiên đi kèm theo đó là sự phá phách, quấy nhiễu của chúng.

Tuy nhiên, trong thực tế thì từ “thả rông” còn được dùng trong ngoặc kép với nghĩa ẩn dụ, chỉ phụ nữ không mặc áo ngực; nghĩa là bộ ngực của phái đẹp không bị ràng buộc, nai nịt bởi bất cứ thứ gì, mà để trong tình trạng “thả phóng”, “tự do”. Ví dụ “Thả rông” giúp ngực săn chắc hơn? (Báo Thanh Niên), Lại rộ trào lưu thắt đáy lưng ong, “thả rông” ngực (Người Lao động), Phụ nữ “thả rông”, không tốt cho ngực (Tiền Phong),…Thậm chí bài Phụ nữ Pháp được bảo vệ quyền thả rông ngực ở nơi công cộng (Dân trí), không đưa từ này vào “nháy nháy”. Như vậy, từ “thả rông” ở đây không còn mang nghĩa “thả cho muốn đi đâu thì đi” nữa, mà đã được dùng với nghĩa ẩn dụ, liên tưởng tới sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì.

Trở lại với câu nói của ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: “… Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ thả rông như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông”. Có lẽ từ “thả rông” này cũng được ông dùng với nghĩa ẩn dụ. Nghĩa là thành phố đã không có những chính sách quản lý, hay hạn chế phương tiện giao thông, mà để phát triển một cách hoàn toàn tự do. Theo đây, căn cứ vào câu chữ đoạn trích dẫn, theo tôi, cái mà ông Giám đốc gọi là “thả rông” là ám chỉ sự tự do phát triển, gia tăng các “phương tiện giao thông”, chứ không phải nói đến việc “thả rông” người điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, do “thả rông” là một từ vốn dùng để chỉ tình trạng tự do, không được quản lý, nuôi nhốt của vật nuôi, nên khi muốn dùng với một nghĩa khác, thì trong văn viết người ta thường để trong ngoặc kép để lưu ý độc giả nghĩa ẩn dụ của từ. Trong khi với lời phát biểu thì không thể hiện được điều đó. Bởi vậy, cách dùng từ thiếu cân nhắc của ông Giám đốc Sở đã gây nên sự hiểu lầm, chứ không hẳn là ông có ý xem thường dân chúng.

(Nhà nghiên cứu Ngôn ngữ HOÀNG TUẤN CÔNG)

“Cần cân nhắc ngôn ngữ phát biểu”

Cách thức phát ngôn của một chính khách trước cộng đồng không chỉ phản ánh hình ảnh thương hiệu cá nhân của người phát ngôn mà còn là hình ảnh đại diện cho tổ chức, cơ quan mà họ đang đại diện. Vì vậy, trong các không gian chia sẻ chính thức với báo chí và công chúng, cần cân nhắc ngôn ngữ phát biểu mang tính hành chính hơn, không thể sử dụng các thuật ngữ, tiếng lóng hoặc ngôn ngữ nói vì có thể thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp của người đại diện cho một tổ chức…

Sử dụng ngôn ngữ trang trọng, đơn nghĩa, truyền tải thông điệp rõ ràng, hướng đến xây dựng sự đồng thuận thay vì tranh cãi. Đó cũng là cách mà lãnh đạo sẽ tạo nên một không gian lành mạnh, đồng thời khuyến khích những ý kiến phản hồi lại từ cộng đồng dựa trên sự tôn trọng và trách nhiệm.

(PGS.TS TRẦN THÀNH NAM, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc