Tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển con người và văn hóa Việt Nam

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

VHO - Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035 nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển con người và văn hóa Việt Nam - ảnh 1
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì buổi họp báo

Sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả kỳ họp tới các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Trình bày kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.

"Sau 29,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra", Phó Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về chủ trương tinh giản bộ máy trong Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đây là chủ trương lớn, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Việc tinh giản bộ máy phải đảm bảo yêu cầu như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là đảm bảo tinh, gọn, manh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trong thời gian qua, Quốc hội đã khẩn trương thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban. Hiện việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được Quốc hội thực hiện theo đúng lộ trình và đảm bảo đúng các quy định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng. "Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ, phát biểu nhậm chức theo quy định của Hiến pháp", Phó Tổng thư ký Quốc hội đánh giá.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển con người và văn hóa Việt Nam - ảnh 2
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 với các nội dung cơ bản như tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Quốc hội đề ra mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; đồng thời, xác định: (i) tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đưa nội dung Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, Phó Tổng thư ký Nguyễn Trường Giang cho biết, việc Quốc hội đưa vào Nghị quyết nội dung này xuất phát từ các ý kiến kiến nghị rất bức xúc của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp.

Tại Diễn đàn Quốc hội trẻ em cũng đã đưa kiến nghị lên Quốc hội về vấn đề này. Đặc biệt qua phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là vấn đề được các đại biểu quan tâm và đã thống nhất là cần phải cấm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em. Việc đưa ra quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội trước các vấn đề cấp bách. "Nếu chúng ta cứ tiếp tục đợi mà không thực hiện ngay vấn đề cấp bách này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ. Vì thế phải đưa ngay vào Nghị quyết chất vấn của kỳ họp", Phó Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Báo cáo do Phó Tổng thư ký Nguyễn Trường Giang trình bày cũng nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035 nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển con người và văn hóa Việt Nam - ảnh 3
Các phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo

Quốc hội cũng đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; phát huy nguồn lực xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc