Tăng cường hợp tác sâu rộng và hiệu quả giữa các trường đại học của Việt Nam và Hoa Kỳ
VHO - Sáng 31.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tiếp, làm việc với Đoàn đại biểu 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ đang tham dự chương trình trao đổi học thuật quốc tế (IAPP) 2025 tại Việt Nam.

Dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và các trường đại học Việt Nam.
Chương trình Đối tác Học thuật Quốc tế (IAPP) 2025 do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp thực hiện.
Đây là hoạt động nhằm kết nối chiến lược các trường đại học Việt Nam với trường đại học Hoa Kỳ, hỗ trợ các trường đại học của hai bên xây dựng Kế hoạch hợp tác thiết thực, hiệu quả và bền vững. Nội dung hợp tác tập trung vào lĩnh vực STEM, bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ICT, bán dẫn - vi mạch, AI, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh, luật quốc tế, nông nghiệp và bền vững, sức khỏe, giáo dục, Đông Nam Á học và ngôn ngữ Việt Nam học.
Tham gia IAPP 2025, về phía Hoa Kỳ, có 21 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ; về phía Việt Nam có 30 trường đại học lớn. Theo lịch trình dự kiến, Đoàn Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 30 trường đại học của Việt Nam về kế hoạch hợp tác.

Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đạt tăng trưởng từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, nền tảng, khí thế cho thời kỳ tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Do đó phải có những chiến lược mang tính "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái". Việt Nam tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy; cải cách hành chính, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đột phá, động lực mới cho phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế… Trong đó, giáo dục, đào tạo có vai trò hết sức quan trọng.
Cho rằng, hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Hoa Kỳ đã được triển khai trong nhiều năm qua, đạt nhiều kết quả, song chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả như mong đợi, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các trường đại học của hai nước phối hợp chặt chẽ xây dựng những kế hoạch hợp tác mang tính dài hạn, bền vững, thiết thực và hiệu quả với các hình thức đa dạng, sáng tạo, linh hoạt như trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo, các chương trình nghiên cứu chung, đi vào các lĩnh vực mới để giúp Việt Nam khai thác không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm; Hoa Kỳ xem xét mở rộng chương trình học bổng, ưu đãi học phí dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Cho biết, thời gian qua các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, NVIDIA, Apple… đã đến tìm hiểu và đầu tư, mở rộng hệ sinh thái của các tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các trường đại học của hai bên chủ động trao đổi để có các chương trình hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật cao, AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, sức khỏe, nông nghiệp, ngoại ngữ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp của hai nước và hợp tác nghiên cứu phát triển.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết cân bằng thương mại giữa hai nước, duy trì đà hợp tác kinh tế bền vững thông qua nhiều giải pháp như giảm thuế cho các sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ như gỗ, nông sản; tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Hoa Kỳ như máy bay, khí hóa lỏng (LNG), các mặt hàng công nghệ cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đầu tư, mở rộng tại Việt Nam và giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ…
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các trường có tiếng nói với chính quyền Tổng thống Trump sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam; hạn chế các chính sách ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục phát triển.
Với quan điểm "coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán", "đã tốt rồi phải tốt hơn nữa, đã hiệu qua rồi phải hiệu quả hơn nữa", Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng hợp tác giáo dục, đào tạo Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới sẽ sâu sắc, hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, cũng như cho hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.