Sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước
VHO - Chiều 14.5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, trong đó có tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là một quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên gần dân, sát dân hơn.

Cụ thể, nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Nội dung này đã được đề cập trong Cương lĩnh chính trị của Đảng trước đây, bây giờ được đưa vào trong Hiến pháp là hoàn toàn hợp lý.
Theo ông Nguyễn Túc, các quy định về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; cũng như đề cập, nhấn mạnh đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là việc làm rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đối với sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 115 "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu", đề nghị giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Cụ thể, ông Phúc đề xuất bổ sung nội dung "Đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính tương đương còn có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp" vào trong khoản 2 Điều 115.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, tại Điều 110, cụ thể hóa khoản 3 Điều này, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm có xã, phường và đặc khu. Do đó đề nghị MTTQ Việt Nam báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị cho giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà ở đó không có đơn vị hành chính là phường.
Đồng tình với các ý kiến liên quan đến sửa đổi quy định về chính quyền địa phương, GS.TS Khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các đơn vị hành chính cần được quy định thành 2 cấp rõ ràng trong Hiến pháp, không sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh" tại Điều 110, tránh gây sự khó hiểu khi tiếp cận các quy định này.
Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 110 "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định" đã lược bỏ nội dung "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" so với quy định cũ, thay vào đó chỉ do Quốc hội quy định. Điều này chưa hợp lý, bởi trên thực tế việc xác định các loại đơn vị hành chính địa phương rất phức tạp, bao gồm tên gọi, quy mô, quan hệ kinh tế - xã hội...
Trong khi người dân tại các cộng đồng dân cư rất am hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cũng như sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương nơi họ sinh sống. Việc này nếu chỉ do Quốc hội quy định bỏ qua việc lấy ý kiến nhân dân địa phương là không nên. Do đó, ông Sơn đề nghị giữ nguyên nội dung "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" của quy định cũ.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 2013 là rất kịp thời và cần thiết.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, việc lập hiến, lập pháp còn chứa đựng nội hàm văn hóa. Việc sửa Hiến pháp này cũng phải thể hiện điều đó thông qua việc lấy ý kiến những người có kinh nghiệm làm hiến pháp.
Bởi vậy, ông Chức kiến nghị Quốc hội khóa XVI ngay sau khi được bầu sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng quy định về những vấn đề lớn, cơ bản, có tầm chiến lược lâu dài của đất nước.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường mong muốn những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp.