Sự chuyển biến quan trọng trong tư duy phát triển, khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của văn hóa

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

VHO - Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025.

Sự chuyển biến quan trọng trong tư duy phát triển, khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của văn hóa - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Trần Huấ

Trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế - xã hội đất nước, báo cáo của Thủ tướng đã nhấn mạnh một thành tựu quan trọng: “Công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có tín hiệu phát triển tích cực với nhiều sản phẩm, hoạt động văn hóa đặc sắc, sáng tạo”.

Đây không chỉ là một dòng nhận định mang tính điểm trang mà phản ánh sự chuyển biến quan trọng trong tư duy phát triển, khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của văn hóa – không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nguồn lực nội sinh, động lực phát triển bền vững của đất nước, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết gần đây.

Năm 2024 vừa qua, công nghiệp văn hóa Việt Nam đã bùng nổ với nhiều sản phẩm làm nức lòng công chúng, gây tiếng vang không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tạo nên cơn địa chấn trên màn bạc, không chỉ vì nội dung chạm vào chiều sâu lịch sử, gợi dậy hào khí dân tộc, mà còn nhờ sự đổi mới táo bạo về nghệ thuật kể chuyện, kỹ xảo và cách tiếp cận giới trẻ.

Sự thành công của bộ phim là minh chứng rõ rệt cho tiềm năng và bản lĩnh của điện ảnh Việt Nam, mở ra một chương mới trên hành trình hội nhập quốc tế. Trong khi đó, âm nhạc Việt Nam cũng chứng kiến một “cú hích” đáng kể với MV Bắc Bling của Hòa Minzy – một sản phẩm kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu dân gian và nhạc đương đại, nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tự hào dân tộc trong giới trẻ. Không thể không nhắc đến những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước như Viết tiếp câu chuyện hòa bình hay các chương trình nghệ thuật cộng đồng như Khát vọng Việt Nam, Tự hào Tổ quốc tôi” đã mang hơi thở yêu nước, khát vọng phát triển đến với hàng triệu trái tim người Việt.

Trên nền tảng những thành quả ấy, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ định hướng trọng tâm thời gian tới: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp giải trí.” Đây là bước đi chiến lược mang tầm quốc gia nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng, đồng thời phù hợp với định hướng cải cách thể chế mà Nghị quyết 66-NQ/TW đã đặt ra, đặc biệt trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

Thực tế đã chứng minh rằng công nghiệp giải trí không chỉ là một lĩnh vực mang tính tiêu dùng, thư giãn, mà còn là trụ cột của nền kinh tế sáng tạo, là công cụ quyền lực mềm giúp nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia, thu hút đầu tư và du lịch, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh đất nước thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, việc phát triển công nghiệp văn hóa và giải trí không chỉ là cơ hội mà còn đặt ra thách thức lớn. Những không gian văn hóa mới hình thành từ sáp nhập hành chính đòi hỏi các địa phương phải sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động, giữ gìn và phát huy bản sắc riêng, biến đó thành lợi thế cạnh tranh.

Một tỉnh mới được sắp xếp, nếu biết tận dụng cơ hội, hoàn toàn có thể tổ chức những liên hoan phim, lễ hội âm nhạc, triển lãm nghệ thuật mang tầm khu vực, vừa khẳng định vị thế mới, vừa gắn kết cộng đồng, vừa thúc đẩy du lịch và dịch vụ địa phương.

Quan trọng hơn, cần tránh rơi vào cái bẫy đồng nhất hóa, làm phai nhạt đi những giá trị văn hóa đặc trưng đã tạo nên dấu ấn của từng vùng, từng địa phương.

Một trong những yếu tố then chốt để bứt phá là hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ khi có một hệ thống thể chế, pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, chúng ta mới tạo ra được động lực phát triển mới. Đối với công nghiệp văn hóa, điều này càng đúng và cấp thiết.

Thực tế hiện nay, các nghệ sĩ, nhà sản xuất, doanh nghiệp sáng tạo vẫn gặp không ít rào cản từ thủ tục hành chính, thiếu chính sách ưu đãi, khó tiếp cận vốn, và thiếu hành lang pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nếu không có bước đột phá về thể chế, mọi nỗ lực sáng tạo sẽ chỉ dừng lại ở phong trào, khó tạo ra mặt bằng mới. Nghị quyết 66-NQ/TW về cải cách lập pháp mở ra cơ hội lớn để ban hành các luật, nghị định phù hợp như Luật Công nghiệp văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các dự án sáng tạo.

Điều quan trọng là phải xây dựng được một hệ sinh thái khuyến khích sáng tạo, nơi mọi ý tưởng đều có cơ hội trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế.

Một điều đáng mừng là khát vọng sáng tạo không chỉ đến từ chính sách mà còn từ lòng dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ đã và đang viết tiếp câu chuyện hòa bình, phát triển và hội nhập của dân tộc bằng ngôn ngữ của âm nhạc, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật.

Những sản phẩm sáng tạo ấy không chỉ kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, mà còn làm mới hình ảnh đất nước, thắp lên niềm tự hào và truyền cảm hứng yêu nước.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tinh thần hòa mình vào dòng chảy thế giới mà không hòa tan càng trở nên quan trọng.

Công nghiệp văn hóa, giải trí vì thế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là một mặt trận mềm để bảo vệ chủ quyền văn hóa, chống lại sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, củng cố nền tảng tinh thần dân tộc.

Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ mục tiêu, lộ trình, ngành trọng điểm.

Cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thiết kế các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sáng tạo, đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng sáng tạo như studio, phim trường, trung tâm biểu diễn.

Việc hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng quản trị sáng tạo cũng đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, khuyến khích hợp tác công – tư, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các dự án liên kết quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm văn hóa là những giải pháp không thể thiếu.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biến di sản thành nguồn lực sáng tạo, kết nối quá khứ với hiện tại để tạo ra các sản phẩm vừa mang đậm bản sắc, vừa bắt nhịp xu thế hiện đại.

Thông điệp quan trọng từ báo cáo của Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội lần này là Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc về công nghiệp văn hóa, nhưng điều quan trọng hơn là phải chuyển hóa những tín hiệu ấy thành hành động cụ thể, tạo ra đột phá thực sự.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với quyết tâm đổi mới, cải cách, tinh gọn bộ máy, công nghiệp văn hóa, giải trí hoàn toàn có thể trở thành mũi đột phá về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Đây không chỉ là câu chuyện về những con số GDP, mà là câu chuyện khơi dậy khát vọng, xây dựng niềm tin, củng cố sức mạnh tinh thần dân tộc. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một tầm nhìn xa, một khát vọng lớn, một quyết tâm mạnh mẽ để viết tiếp câu chuyện hòa bình, phát triển, hội nhập – câu chuyện mà từng thước phim, từng bài hát, từng sản phẩm sáng tạo chính là những dòng chữ đẹp nhất trên trang sử mới của đất nước.