Quốc hội biểu quyết thông qua quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia
VHO-Sáng 14.6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết quan trọng như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng chống tác hại của rượu bia…
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ ngày 23.5 vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và những nội dung chủ yếu của dự án Luật.
Chiều ngày 3.6, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. “Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đóng góp, hoàn thiện thêm đối với dự thảo Luật và kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội xem xét, thông qua”, bà Thuý Anh cho biết.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội thì về tên gọi của Luật, trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: tên gọi của Luật là phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thể hiện rõ quan điểm phòng ngừa tác hại từ sớm chứ không chỉ ứng phó, khắc phục khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực; không những điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác.
Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật Nghị quyết quan trọng
“Tên gọi như vậy ngắn, gọn, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của nhân dân và nhấn mạnh mục tiêu chính của phòng, chống tác hại của rượu, bia. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho giữ tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”, bà Thuý Anh đề nghị.
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua qui định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (khoản 6, Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia). Quy định này được đưa ra xuất phát từ thực tế đau lòng là số vụ tai nạn do lái xe sử dụng rượu, bia trong thời gian qua tăng cao, gây lên những hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả biểu quyết khoản 6, Điều 5 Dự án Luật này như sau: Tổng số đại biểu tham gia biểu quyết là 446 người, chiếm 92,15% trong đó số đại biểu biểu quyết tán thành là 374 người, chiếm 77,27%; số đại biểu không tán thành là 54 người, chiếm 11,16%. Với kết quả này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Kết quả biểu quyết toàn bộ dự án Luật như sau: Tổng số đại biểu tham gia là 450 người, chiếm 92,98% trong đó số đại biểu tán thành là 408 người, chiếm 84,30%; không tán thành là 25 người, chiếm 5,17%. Như vậy Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.
Cũng trong sáng 13.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết quan trọng như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020. Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc vào chiều nay 14.7.
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN