Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng

VHO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 29.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng.

Trước khi biểu quyết về Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội đã nghe  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Với 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 93,52 % tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết.

Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng - Anh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng

Nghị quyết quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Người nộp thuế gồm đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất hai năm trong bốn năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp: các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên; đối tượng được Chính phủ quy định chi tiết.

Nghị quyết cũng nêu rõ: đối với quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, thời hạn nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Trước phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua. Kết quả biểu quyết, có 459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành chiếm tỷ lệ 92,91 % tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị  quyết trên.

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai  đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Phân bổ vốn trung hạn, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 chậm, đặc biệt giao vốn sự nghiệp còn bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.

Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng - Anh 2

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hậu quả kéo dài; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nguyên  nhân  chủ  quan là do các Chương trình còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm.

Công tác phối hợp của một  số bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được  chuyển  nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. 

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc