Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19.8.1945 - 19.8.2024):
Những ngày Tháng Tám cờ bay
VHO - Suốt chiều dài lịch sử, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại đó đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác đứng lên giành chính quyền.
Cờ đỏ sao vàng trên khắp đường phố Hà Nội
Suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta.
Chính vì vậy, Xứ ủy Bắc Kỳ quan tâm đặc biệt tới địa bàn này. Ngày 15.8.1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban Khởi nghĩa) được thành lập.
Đến ngày 17.8, biết tin Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn để ủng hộ Chính phủ bù nhìn, Ủy ban Khởi nghĩa quyết định biến sự kiện ấy thành cuộc mít tinh của quần chúng ủng hộ cách mạng.
Chiều cùng ngày, đông đảo thành viên trong các tổ chức cứu quốc thuộc nội, ngoại thành Hà Nội, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong được bí mật huy động đến Nhà hát Lớn.
Khi cuộc mít tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện trước đám đông. Các đội viên tuyên truyền Việt Minh xông lên diễn đàn, thông báo tin Nhật đầu hàng và kêu gọi nhân dân khởi nghĩa.
Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Quần chúng tự động xếp thành đội ngũ, các đội viên tự vệ chiến đấu dẫn đầu, đi từ Nhà hát Lớn qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo bù nhìn!”, “Việt Nam độc lập!”…
Trước khí thế cách mạng của quần chúng Thủ đô, chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp. Ủy ban Khởi nghĩa quyết định sẽ khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19.8.
Sang ngày l8.8, cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên khắp các đường phố Hà Nội, từ Bưởi qua Dịch Vọng, xuống Tương Mai, Mai Động...
Sáng 19.8, hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng. Tất cả tập trung trước Nhà hát Lớn. Đúng 11 giờ, đại diện Ủy ban đọc lời kêu gọi khởi nghĩa.
Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch: Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở Mật thám, Sở Cảnh sát Trung ương, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh...
Tối ngày 19.8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Sang ngày 20.8, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội chính thức thành lập.
Kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội
Cách mạng nổi lên như một cơn lốc, đem lại một sự đổi thay lớn lao trong đời sống của dân tộc.
Thủ đô Hà Nội như được truyền thêm khí thế mới, có một sức sống mới, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên: “Sức hồi sinh của cách mạng thật lạ thường.
Hôm trước cả thành phố còn tê liệt vì nạn đói, vì bệnh dịch, vì sự khủng bố. Hôm sau, tất cả những đường to ngõ hẻm đã sôi lên. Hàng vạn, hàng vạn con người ầm ầm kéo đi với sức mạnh như những dòng thác”...
Chính quyền nhân dân cách mạng vừa mới thành lập. Phần lớn đồng bào còn chưa biết những ai sẽ là người thay mặt cho chính quyền.
Nhưng mọi người đã tự động tạo nên một trật tự mới, trật tự của cách mạng. Nạn cướp giật mất hẳn. Trộm, cắp hầu như không xảy ra.
Những người ăn xin cũng vắng bóng. Hoạt động buôn bán đã nhường chỗ cho một hoạt động mới: Hoạt động cách mạng.
Một người đi xe đạp đến đầu phố cầm loa hô lớn: “Mời đồng bào đến tập trung ở địa điểm X. tham gia biểu tình”. Không biết người đó là ai, nhưng lời hô hào lập tức được truyền đi.
Nhiều người dân tự động vác loa ra đứng giữa đường làm công tác thông tin. Ai đang làm dở việc gì cũng để lại đấy. Tất cả ào ào kéo đi. Chỉ chốc lát, hàng vạn người đã có mặt ở địa điểm biểu tình. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà cách mạng cần đến.
Không khí Hà Nội trở nên náo nức. “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc...”, những bài ca cách mạng vang lên rộn ràng từ sớm tới khuya.
Cờ sao mỗi lúc một nhiều hơn, đẹp hơn. Cờ bay đỏ nhà, đỏ phố. Cách mạng đúng là ngày hội của những người bị áp bức.
Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 23.8.1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến làng Gạ (Phú Gia, Từ Liêm, Hà Nội). Ngày 26.8.1945, Người mở phiên họp đầu tiên với Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời và soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Theo Người, việc mít tinh lớn ở Hà Nội, ra mắt Chính phủ, tuyên bố Việt Nam độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa phải được gấp rút làm ngay, trước khi quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật.
Sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, một cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình vào chiều ngày 2.9.1945.
Trong buổi lễ long trọng đó, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Thủ đô Hà Nội trở thành điểm sáng, thành ngôi sao đỏ đầu tiên của châu Á. Cả châu Á bị áp bức, cả loài người tiến bộ ngước nhìn, lắng nghe Hà Nội: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa/ Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta/ Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó/ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Tố Hữu: Theo chân Bác). Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đã được mở ra: Kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.