Xây dựng văn hóa pháp quyền:
Nền tảng của xã hội hiện đại, động lực của phát triển bền vững
VHO - Trong hành trình kiến tạo một xã hội hiện đại, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới, không thể chỉ trông đợi vào những đột phá về kinh tế hay khoa học - công nghệ, mà cần bắt đầu từ một gốc rễ bền vững hơn: Văn hóa pháp quyền.

Nghị quyết 66-NQ/ TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật không chỉ dừng lại ở những vấn đề kỹ thuật lập pháp hay cải cách thể chế, mà đã đi thẳng vào cốt lõi của sự phát triển: Xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật - nơi tuân thủ pháp luật trở thành thói quen, lẽ sống, niềm tin và giá trị văn hóa sâu sắc của mỗi người dân, tổ chức.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số ngày càng nhanh chóng, khi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều biến động, thì một xã hội có nền tảng văn hóa pháp quyền vững chắc chính là điểm tựa để đất nước không chỉ trụ vững trước sóng gió, mà còn bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Bởi lẽ, pháp luật không chỉ là những quy tắc cứng nhắc, mà là nơi hội tụ của niềm tin, của công bằng, của trật tự, của những chuẩn mực ứng xử mà cả cộng đồng cùng kiến tạo và chia sẻ.
“Chất keo” gắn kết xã hội trong quá trình phát triển
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn lên trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, vấn đề hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trở thành nhiệm vụ trung tâm, then chốt.
Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đúng vào thời điểm cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân đang hướng về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 5.5.2025), mang theo niềm kỳ vọng lớn lao về một hành trình đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Nhưng vượt lên trên những điều chỉnh kỹ thuật, Nghị quyết đã chạm vào một vấn đề cốt lõi, tinh tế và đầy sức lay động: Xây dựng văn hóa pháp quyền như một nền tảng văn hóa tinh thần, một động lực bền vững, một “chất keo” gắn kết xã hội trong quá trình phát triển.
Trong lịch sử dân tộc, sức mạnh mềm - sức mạnh văn hóa - luôn là cội rễ để Việt Nam vượt qua mọi biến động, từ những cuộc kháng chiến giữ nước đến những cuộc kiến thiết hòa bình.
Văn hóa pháp quyền ngày nay chính là sự tiếp nối và nâng tầm truyền thống đó, khi tuân thủ pháp luật không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn trở thành lẽ sống và một phần của bản sắc công dân hiện đại.
Ở những xã hội thượng tôn pháp luật, người ta không cần một ai đứng ra giám sát mà mỗi cá nhân đều tự ý thức được giới hạn, nghĩa vụ và quyền lợi của mình.
Đó là nơi mà việc xếp hàng nơi công cộng, chấp hành tín hiệu giao thông, khai thuế trung thực, hay thậm chí đơn giản chỉ là bỏ rác đúng nơi quy định..., trở thành thói quen tự nhiên, không cần đốc thúc, không cần sợ hãi.
Để đạt được điều đó, Nghị quyết 66 đã đặt ra những định hướng rất căn cơ, gắn liền với bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Thứ nhất, xây dựng văn hóa pháp quyền phải bắt đầu từ giáo dục, từ việc gieo hạt những giá trị thượng tôn pháp luật ngay từ trong nhà trường, gia đình, cộng đồng.
Một thế hệ công dân trưởng thành, hiểu luật, sống có trách nhiệm không thể chỉ được rèn luyện qua những văn bản quy phạm hay những chiến dịch truyền thông nhất thời, đó phải là kết quả của một quá trình lâu dài, được vun đắp qua giáo dục chính khóa, qua những bài học đạo đức, công dân, qua tấm gương của người lớn, qua các chương trình truyền thông, nghệ thuật, phim ảnh, sân khấu mang nội dung pháp luật gần gũi, dễ cảm, dễ thấm.
Thứ hai, để xây dựng văn hóa pháp quyền, không thể chỉ trông đợi vào người dân, mà trước hết, chính bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu gương thượng tôn pháp luật.
Một xã hội không thể mong người dân chấp hành nghiêm pháp luật nếu những người cầm cân nảy mực lại buông lỏng kỷ luật, vi phạm kỷ cương hoặc vận dụng pháp luật một cách tùy tiện, thiếu minh bạch.
Khi pháp luật được thực thi công bằng, nhất quán, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, khi cán bộ, đảng viên thực sự nêu gương, thì văn hóa tuân thủ pháp luật mới lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Thứ ba, một nền văn hóa pháp quyền hiện đại đòi hỏi sự tham gia thực chất, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng, giám sát, thực thi pháp luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những nền pháp quyền thành công đều đặt người dân ở vị trí trung tâm.
Tại Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy - những quốc gia nổi tiếng về chỉ số minh bạch, tuân thủ pháp luật, mọi dự thảo luật đều phải trải qua quá trình tham vấn công khai, thậm chí người dân còn có quyền kiến nghị lập pháp, bãi bỏ luật bất hợp lý.
Ở Nhật Bản, việc giáo dục pháp luật được thực hiện từ bậc tiểu học, đồng thời hệ thống tòa án, trọng tài, hòa giải được tổ chức khoa học, hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý mà không bị rào cản về chi phí hay thủ tục.
Singapore, một quốc gia nhỏ bé nhưng nổi tiếng kỷ cương, pháp luật trở thành “bản nhạc chung” mà mọi công dân đều hòa vào, bởi họ hiểu rằng đó là điều kiện để bảo đảm trật tự, an toàn, phát triển bền vững.

Sức mạnh mềm cho quốc gia phát triển
Nhìn lại Việt Nam, thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận. Các cơ quan xây dựng pháp luật đã mở rộng các kênh lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp qua mạng; Quốc hội tổ chức các phiên giải trình, chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri giám sát; nhiều địa phương thực hiện mô hình “chính quyền điện tử”, “chính quyền số” để phục vụ người dân thuận tiện, minh bạch hơn.
Nhưng thẳng thắn mà nói, khoảng cách từ nghị trường đến cuộc sống vẫn còn xa. Còn nhiều dự luật khi ra đời đã bị xã hội phản ứng do chưa sát thực tế, còn nhiều quy định rườm rà khiến người dân, doanh nghiệp khốn khổ trong bộ máy hành chính.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV tới đây sẽ là một dịp quan trọng để đưa tinh thần Nghị quyết 66 đi vào hành động thực chất. Đây là lúc Quốc hội cần khẳng định vai trò kiến tạo, lắng nghe dân, đại diện cho dân, phản biện chính sách với tầm nhìn dài hạn.
Cũng là lúc cần bàn sâu về cơ chế giám sát quyền lực, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc, bảo vệ công lý, củng cố niềm tin xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội cần ưu tiên là đẩy nhanh tiến độ số hóa hệ thống pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường, mở rộng các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật qua báo chí, mạng xã hội, nghệ thuật, văn hóa đại chúng.
Hơn thế, việc khuyến khích các thiết chế ngoài tòa án như trọng tài, hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế cũng cần được thảo luận, hoàn thiện.
Điều đó không chỉ giảm tải cho tòa án, tiết kiệm nguồn lực xã hội, mà quan trọng hơn, góp phần hình thành thói quen giải quyết mâu thuẫn bằng pháp lý, không bạo lực, không cực đoan.
Khi người dân tin vào pháp luật, khi pháp luật trở thành “người bạn đồng hành” chứ không phải “cây gậy kiểm soát”, khi cán bộ công quyền trở thành “công bộc” đúng nghĩa, thì văn hóa pháp quyền mới thực sự bén rễ, lan tỏa.
Điều đáng mừng là Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hành trình này. Đó là một xã hội năng động, với hơn 70% dân số trong độ tuổi lao động, trình độ dân trí ngày càng nâng cao; truyền thông, báo chí, mạng xã hội ngày càng cởi mở.
Đó là khát vọng phát triển cháy bỏng, được khơi dậy mạnh mẽ từ những thông điệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, từ các phong trào thi đua yêu nước, từ những bước tiến ngoạn mục về hạ tầng, kinh tế số, khoa học - công nghệ.
Nhưng cũng không thể quên rằng, bên cạnh đó vẫn còn những khoảng tối: Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm, “chạy luật”, lách luật, thậm chí lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi vẫn tồn tại, thách thức niềm tin xã hội.
Bởi vậy, xây dựng văn hóa pháp quyền không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, mà là sứ mệnh chung của cả xã hội. Gia đình cần dạy con em mình sống có trách nhiệm, trung thực, tôn trọng pháp luật.
Nhà trường cần khơi dậy tình yêu công lý, tinh thần thượng tôn pháp luật ngay từ những bài học đầu đời. Doanh nghiệp cần đề cao đạo đức kinh doanh, minh bạch trong hoạt động sản xuất, thương mại.
Cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ trước những hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng một môi trường xã hội liêm chính, an toàn. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần là một tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật, để từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.
Ở tầm quốc gia, văn hóa pháp quyền không chỉ dừng lại ở việc duy trì kỷ cương, mà còn là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường toàn cầu.
Một đất nước mà mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nơi pháp luật được xây dựng minh bạch, khả thi, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực thi, không bị thao túng bởi lợi ích nhóm, không trở thành công cụ phục vụ một số ít người, thì đó là đất nước có thể yên tâm tiến bước, dù ở bất kỳ bối cảnh nào của thời đại.
Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, khi cả nước đang kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước và dõi theo kỳ họp Quốc hội sắp tới, tinh thần đổi mới thể chế, xây dựng văn hóa pháp quyền mà Nghị quyết 66- NQ/TW đặt ra càng mang ý nghĩa thôi thúc.
Bởi đây không chỉ là một văn kiện chính trị, mà là lời nhắc nhở sâu xa: Sức mạnh của một dân tộc không chỉ nằm ở tiềm lực vật chất, mà trước hết nằm ở sức mạnh của niềm tin, của luật pháp, của trật tự xã hội, của khát vọng đồng lòng kiến tạo một đất nước hùng cường, hạnh phúc.
Đó là khát vọng không của riêng ai, mà là của cả một dân tộc đã đi qua những thăng trầm lịch sử, đã chứng minh bản lĩnh kiên cường, và giờ đây đang đứng trước ngưỡng cửa vươn mình ra biển lớn, với một hành trang không thể thiếu - một nền văn hóa pháp quyền đích thực, bền vững, nhân văn và khai phóng.