Khoa học và sự lãng phí

CAO CHƯ

VHO - Các chủ trương chống lãng phí, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đã được công chúng rất đồng tình. Lãng phí có thể coi như một dạng hao phí xã hội vô lý mà đáng ra không phải có. Nó bào mòn lợi nhuận xã hội, trì kéo xã hội vươn cao tối đa theo tiềm lực vốn có.

 

Còn sự phát triển khoa học công nghệ sẽ có tác động phát triển mạnh mẽ, số vốn bỏ ra một có thể thu về lợi nhuận xã hội hàng ngàn, hàng triệu lần. Suy cho cùng, nước nọ phát triển hơn nước kia cũng bắt đầu từ nòng cốt là khoa học công nghệ. 

 Tuy nhiên điều mà tôi suy tư chính là thực trạng sự lãng phí và sự phát triển khoa học công nghệ ở nước ta. Ở các tỉnh, thành phố đều đặt Sở KH&CN. Điều mà tôi băn khoăn bấy lâu chính là các “đề tài khoa học cấp tỉnh” với số ngân sách nhà nước cấp nhiều tỉ đồng mỗi năm. Các Sở này cũng thông báo đăng ký đề tài, cũng đặt hàng, đấu thầu, rồi tổng hợp xét chọn phê duyệt, rồi khi thực hiện cũng có kiểm tra, có hội đồng nghiệm thu, nhưng sau khi nghiệm thu không ít trường hợp phải đem… cất tủ, không mang lại lợi ích gì cho xã hội, mà tiêu tốn ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng. 

Tại sao như vậy? Đơn cử những “đề tài nghiên cứu” kiểu như giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu niên, rồi nghiên cứu trồng ớt siêm dưới tán rừng, trồng tỏi không cần dùng cát biển... Nếu giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thì hầu như ai cũng nghĩ ra được, cần chi phải nghiên cứu. Còn “đầu đuôi” của ớt siêm dưới tán rừng là thế này: Tập quán tự nhiên chim thường thích ăn ớt siêm chín, rồi “đi” ra hạt ớt, cây ớt mọc lên ngay dưới tán rừng, nơi đất trống, người miền núi chỉ việc đi hái ớt về ăn (và bán), ai muốn nhiều hơn cứ việc gieo hạt ớt chín ở mép rẫy. Có lẽ “quy trình gieo hạt” của con chim đã “gợi ý” cho các nhà ở trường đại học nọ đi nghiên cứu “đề tài khoa học cấp tỉnh”. 

Kết quả thế nào không rõ, ứng dụng thực tiễn thế nào cũng không rõ, nhưng rõ là bà con miền núi vẫn cứ nhờ chim “đi” ra cây ớt. Còn người nghiên cứu, cơ quan quản lý khoa học thì vẫn cứ ung dung sau khi đã tiêu tốn ngân sách vài tỉ đồng và mọi cái “quy trình”, chứng từ đều có đủ. Cái việc nghiên cứu trồng tỏi không cần cát biển cũng là cái đáng suy ngẫm. Ở địa phương nọ có vùng trồng tỏi nổi tiếng, bằng kinh nghiệm của mình, người dân khi làm đất thì phải ra mép biển thồ cát lên rẫy, trải trên mặt đất rồi trồng mới ra tỏi ngon, năng suất cao. Song với góc độ môi trường người ta sợ xói lở bờ biển, nên có đề xuất nghiên cứu cách trồng tỏi không cần cát biển, để chấm dứt việc lấy cát biển trồng tỏi. 

Tất nhiên là tỏi vẫn mọc, vẫn cho củ, nhưng năng suất, chất lượng vẫn không thể bằng tỏi có cát biển. “Đề tài nghiên cứu” không rõ kết quả ra sao, nhưng cái rõ là bà con vẫn cứ thồ cát biển lên rẫy trồng tỏi như trước. Vậy ở đây có lẽ nhà nghiên cứu muốn thay thế thổ nhưỡng là thứ chỉ có ông trời làm ra, bằng cái gì ấy của mình. Nhưng ai cũng biết thổ nhưỡng là cái khó lòng thay thế, bởi vậy mới có chuyện cùng một giống cây trồng mà đất này thì ngon, đất kia thì dở, mới ra các đặc sản không nơi thay thế. Nói tóm lại thì thay thế thổ nhưỡng là cái bất khả thi. Trường hợp như cây tỏi ở đây, hoặc là cấm khai thác cát và chịu chất lượng tầm tầm, hoặc là cứ để khai thác cát để có đặc sản. Và chọn lựa thế nào là việc của nhà chức trách, không phải của nhà nghiên cứu. Tất nhiên “đề tài nghiên cứu” này cũng ngốn của ngân sách hàng tỉ đồng. 

Đương nhiên nghiên cứu khoa học có cái thành công nhưng không khỏi có cái thất bại. Nhưng cái thất bại chiếm phần nhiều chính lại là vấn đề: Vậy thì nó có ích cho ai, hay chỉ là “ném tiền qua cửa sổ”, vì nó chỉ là nghiên cứu khoa học giả hiệu. Nghiên cứu khoa học phải là khám phá, sáng tạo, phát minh, sáng chế những cái mà trần thế chưa biết, chưa có, nó phải hữu ích và khả thi. Nó phải được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu thực thụ, không phải giả hiệu, dù là người có đủ học hàm học vị. Nó phải được chứng minh kết quả trong thực tế. Nhà nước nên rà soát xem các tỉnh tổ chức nghiên cứu đề tài như thế nào, kết quả ra sao, nếu không chính cái quốc sách hàng đầu này lại rơi vào lãng phí. Khoa học phải đúng là khoa học, đó chính là cái cần xem xét để thực hiện hiệu quả chủ trương chống lãng phí và thúc đẩy khoa học công nghệ, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. 

Nghiên cứu khoa học là một cú hích cho sự phát triển, chỉ trong trường hợp nó đúng là khoa học, nếu không lại là một lãng phí lớn.