Động viên lòng nhân ái
VHO - Em trai tôi là bác sĩ làm ở bệnh viện công. Mẹ tôi bảo, làm việc ở bệnh viện thôi, không mở phòng khám tư. Việc của thầy thuốc là cứu người, không phải là kiếm tiền. Không kiếm tiền có thể sẽ nhận được rất nhiều cái không bao giờ mua nổi bằng tiền.
Mang suy nghĩ về lời dặn của mẹ, tôi gặp mấy người bạn đồng liêu. Tự dưng họ hỏi, lâu nay mấy vụ máy bay giải cứu với kittest dịch bệnh sao rồi. Tôi ngẩn ra. Những đồng liêu hỏi không sai, nhưng tại sao họ luôn phải nghĩ về điều đó, về những hành vi kém y đức trong cuộc sống này? Mở mạng trực tuyến, giờ đây ai cũng đọc được đầy thông tin về vi phạm của người này, tội ác của người kia. Rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh tắc trách, rất nhiều bác sĩ làm trái quy định, tham ô, hối lộ…
Tất cả tạo một màn đen u ám và tiêu cực lên màu áo trắng. Nhìn đâu cũng thấy nghề y thời nay chỉ có liên quan đến tiền bạc, dối trá, và nhẫn tâm. Người ta đánh đồng mọi hành động của con người hiện tại, với những lựa chọn vô đạo đức, vi phạm pháp luật và vi phạm cả những nguyên tắc làm người. Bác sĩ, thầy giáo, thầy tu… dần dần bị biến cải hình ảnh đi, trong mắt mọi người!
Một cô gái tốt nghiệp Đại học Y đang tham gia thực tập sinh ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tâm sự, xin được vào làm tại bệnh viện mới đối diện nhiều câu chuyện nhân sinh động lòng. Khoa khó khăn, căng thẳng nhất ở bệnh viện là khoa Cấp cứu, gần như luôn thiếu bác sĩ trực, gần như ngày nào cũng có người bệnh tử vong. Các bác sĩ trẻ, thực tập sinh đều phải tham gia vào khoa này, ít nhất ba tháng. Những nỗ lực của họ, nhằm cứu người là rất lớn.
Có điều, dường như không mấy ai hiểu điều đó. Người ta hung hăng với các bác sĩ trẻ, thậm chí nghi ngờ năng lực, trình độ chuyên môn của họ, để nói những lời đau lòng. Người ta nhìn nhận các bác sĩ trẻ làm cấp cứu là do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm né tránh, và do làm không công mà không nhìn nhận, những sự cố xảy ra ở khoa cấp cứu, chính là năng lực “thực chiến” của người làm nghề y, phải kinh qua mới có kinh nghiệm xử lý ở các khoa phòng khác.
Phải chăng, từ lâu rồi, nhiều người đã nhìn màu áo trắng y khoa bằng con mắt khác, lấy những sai phạm, lầm lỗi của những cá nhân đâu đó làm thước đo, để mà “định giá” người thầy thuốc. Sự ngờ vực ấy, lây lan đến mức, nhiều người đến nay quen nghe những “lang y ba đời” trên mạng xã hội, tin vào những đoạn phim vô căn cứ, thông tin thiếu kiểm chứng với những bài thuốc này kia, chứ không tin vào lời khuyên của những bác sĩ giàu kinh nghiệm và thực tế đang tham gia chữa bệnh, cứu người.
Phải chăng, đã đến lúc, xã hội cần có sự tác động tích cực hơn của truyền thông, viện dẫn những câu chuyện tốt, sự việc hay, về tấm lòng nhân đức cứu người, của những người làm nghề y. Thay vì kể những tai nạn, sai lầm, thông tin xã hội cần khích lệ, động viên những tấm lòng thầy thuốc hy sinh nỗ lực cứu người, giúp đời. Xã hội cần nhìn nhận một cách nhân ái hơn về những con người đang sống và làm việc, trong chính một môi trường đầy nhân ái.
Tôi đến nhà em trai và thấy có một con cá to trong tủ lạnh. Hỏi mới biết, em tôi mổ cấp cứu thành công cho một bà cụ bị tai biến. Con trai bà cụ, một ngư dân đã chạy xe máy hàng chục cây số, để đem một con cá đánh bắt được sau chuyến đi biển dài ngày, đến nhà cảm ơn bác sĩ. Mẹ tôi bảo, con cá đó cứ nhận đi, vì đó chính là sự tri ân về lòng nhân ái.
Có bao nhiêu người chúng ta hôm nay đến với nhau bằng lòng nhân ái? Có bao nhiêu người hiểu phía sau màu áo trắng là những trái tim nhân ái với cuộc đời này? Những trái tim đó, cần nhận được những nhịp đập nhân ái của mỗi người chúng ta, cảm ơn và động viên họ!