Ngành VHTTDL tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025:

Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới

HÀ PHƯƠNG

VHO - Hôm nay 18.12, theo chương trình Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành VHTTDL sẽ diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với hơn 15.000 đại biểu tham dự, Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 771 điểm cầu tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các quận, huyện thuộc các tỉnh, thành phố.

Động lực phát triển trong  kỷ nguyên mới - ảnh 1
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” là quyết định mang tính đột phá nhằm khơi thông nguồn lực cho văn hóa chuyển biến mạnh mẽ

 Với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, một lần nữa, sứ mệnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa tiếp tục được khẳng định. Quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” không chỉ được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng mà trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với sức mạnh bao trùm, là động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Khơi “điểm nghẽn”, tạo động lực

Đứng đầu trong 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024 là sự kiện được đánh giá mang dấu ấn quan trọng: “Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035”. Đây không chỉ là sự kiện chính trị đặc biệt đối với ngành văn hóa mà rộng hơn, là minh chứng rõ nét, sinh động nhất của khâu hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực nhằm tạo bước đột phá trong cụ thể hóa, triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa. Chương trình góp phần phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều năm trăn trở trước thực trạng đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức; văn hóa chưa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…, dấu ấn ra đời Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035 trong năm nay chính là kết quả từ sự nỗ lực của toàn ngành VHTTDL. “Điểm nghẽn” khiến những giá trị hồn cốt của văn hóa chưa thực sự được bảo vệ, phát huy giá trị… những năm qua phần nào đã tháo gỡ. Từ thể chế, hành lang pháp lý đến triển khai trong thực tiễn cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Viện VHNT quốc gia Việt Nam khẳng định, để văn hóa thực sự vươn mình, không chỉ cần sự phát triển tự thân của văn hóa mà còn cần một nền tảng thể chế vững vàng, những chính sách đột phá và sự chung tay từ mọi thành phần xã hội. Ở góc nhìn này, các chuyên gia lưu ý, các thể chế, chính sách văn hóa trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện, cần được xây dựng với tầm nhìn xa, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải dự báo được xu hướng tương lai, giúp văn hóa có thể linh hoạt thích nghi với những thay đổi của thời đại, góp phần tạo động lực phát triển.

Từ tư duy “làm văn hóa”, toàn ngành chuyển đổi mạnh mẽ sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, cùng với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, qua từng bước đi vững chắc, toàn ngành VHTTDL đã và đang cùng nhau đoàn kết, phát huy sức mạnh để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Động lực phát triển trong  kỷ nguyên mới - ảnh 2
Lễ tế tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Cục DSVH

Văn hóa truyền thống: Điểm tựa và sức mạnh

Với phương châm”Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm qua và đặc biệt trong năm 2024, ngành VHTTDL đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”.

Trên bình diện chung, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2024 đều có những chuyển biến rõ nét về cả nhận thức, hành động và kết quả. Trong đó, lĩnh vực văn hóa nhận được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư mạnh mẽ đã khẳng định những bước tiến nhanh, mạnh, có sức lan tỏa, chiều sâu và bền vững. Điểm sáng trong năm là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Sau nhiều mong chờ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hành lang pháp lý với nhiều điểm mới, khắc phục những bất cập và tạo nên động lực, thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển, đi vào chiều sâu.

Cục Di sản văn hóa cho biết, trong năm 2024, Cục đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác với những kết quả đạt được trên cả bốn lĩnh vực: Di tích, bảo tàng, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với hành lang pháp lý mới được thông qua, trong năm, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 8.5.2024, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra ở TP Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Tiếp nối, ngày 4.12.2024, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa diễn ra trong bối cảnh toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện các Kết luận, Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Cục Di sản văn hóa đã cụ thể hóa bằng những Kế hoạch, văn bản, chính sách cụ thể. Nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương được nâng cao. Nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch...

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Theo đó, ngành VHTTDL đã tham mưu trình Quốc hội Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cục Văn hóa cơ sở cho biết, năm 2024 gắn liền với nhiều dấu mốc kỷ niệm quan trọng của đất nước, đã có nhiều Hội thi, Cuộc thi, Hội diễn, Triển lãm quy mô lớn được tổ chức, điểm nhấn như Hội thi Tuyên truyền lưu động và Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024); kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 - 19.5.2024); 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024); 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024)… Cũng theo Cục Văn hóa cơ sở, chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành… Nhiều mô hình điểm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được chú trọng; công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm; các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hiệu ứng quan trọng từ môi trường văn hóa, đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại tiếp tục được cải thiện là đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hoạt động xã hội hóa văn hóa ngày càng được mở rộng, hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao, lối sống văn minh, hiện đại được đẩy mạnh và tạo ra những tác động thiết thực… Đây chính là những điểm tựa vững chắc cho quá trình phát triển của toàn ngành trong thời gian tới, với sức mạnh mềm từ những giá trị văn hóa truyền thống.

Động lực phát triển trong  kỷ nguyên mới - ảnh 3
Năm Du lịch quốc gia 2024 là cú hích mạnh mẽ giúp tỉnh Điện Biên mở ra nhiều cơ hội phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch

Thời cơ bước vào kỷ nguyên mới của đất nước

Không chỉ ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với thể thao, với sự tham mưu từ Bộ VHTTDL, Bộ Chính trị đã có Kết luận 70 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, trởthành “kim chỉnam” cho những định hướng phát triển của ngành TDTT trong giai đoạn tới. Cùng với đó, ngành đã trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, giành được tổng số 1.175 huy chương quốc tế. Du lịch Việt Nam năm 2024 nhiều khởi sắc, phục hồi ngoạn mục với những con số rất ấn tượng: 17,2 - 17,5 triệu lượt khách quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 840 nghìn tỉ đồng.

Những kết quả đạt được trong năm 2024 đã và đang tạo nên những tiền đề quan trọng để ngành VHTTDL sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Bước sang năm 2025 - năm gắn với nhiều dấu mốc đặc biệt quan trọng của quốc gia, dân tộc, nền tảng có được chính là điểm tựa, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, quá trình phát triển cũng cho thấy những bài học kinh nghiệm thiết thực từ đó, toàn ngành cùng nhau tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức. Đặc biệt, đây là quãng thời gian được xác định là thời cơ, động lực để toàn ngành cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, tiếp tục tập trung quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết tâm, chủ động, sáng tạo, khắc phục hạn chế, khó khăn, phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực, tự nguyện của người dân, các đoàn thể chính trị, xã hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển các lĩnh vực của Ngành. Tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động của ngành, tạo hiệu ứng tích cực đối với công tác xã hội hóa, qua đó thu hút sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động của Ngành. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, thể thao và du lịch. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của Ngành.

Những kết quả, dấu ấn từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, đặc biệt trong năm 2024 vừa qua của ngành VHTTDL đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây sẽ là tiền đề rất quan trọng để toàn ngành chuẩn bị, huy động mọi nguồn lực, với tinh thần sẵn sàng hướng về phía trước, hưởng ứng mạnh mẽ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, tận dụng và phát huy mọi cơ hội cùng cả đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.