Đề nghị giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

VHO- Sáng nay 28.10, trong phiên thảo luận về dự án Luật Thi đua – Khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đề nghị giữ nguyên đối tượng là các nhạc sĩ trong việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Điều 64 của dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) quy định, đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. So với quy định hiện hành, dự thảo luật trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "NSND", "NSƯT" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng đề nghị vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ. Bà Ánh cho rằng nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo để các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện.

Đề nghị giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT - Anh 1

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Dù không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo… Từ đó bà Ánh cho rằng nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xét tặng và trao danh hiệu NDND, NSƯT cho văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật có đủ điều kiện là hình thức tôn vinh có tác dụng to lớn trong việc tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến của các nghệ sĩ; tạo nên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao; có tác dụng bồi bổ tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đại biểu Thu Đông cũng lấy ví dụ sinh động về việc vì sao các bậc thầy của mình, các nghệ sĩ sáng tác lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ Hoài Lang, tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển… với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT?

Trong khi những vở cải lương do các thầy soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương - điều kiện quan trọng làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Từ đó đại biểu đoàn Bạc Liêu kiến nghị giữ nguyên đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, tránh chồng chéo, bất cập dẫn đến việc có sự so sánh, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, không nên bỏ nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng lấy ví dụ trong ngành y. Nếu một thầy thuốc có công trình nổi tiếng có thể đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể được phong tăng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú khi được ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp của mình. Vì vậy, không nên đưa ra quan điểm nhạc sĩ đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước thì không còn là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, nhạc sĩ là người sáng tác, tác phẩm của nghệ sĩ nếu đủ điều kiện sẽ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Tương tự như vậy, họa sĩ cũng là người sáng tác tranh, tác phẩm của họa sĩ có giá trị, đủ các tiêu chuẩn cũng sẽ được xem xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

Tán đồng quan điểm bổ sung danh hiệu “Thanh niên xung phong vẻ vang”

Phát biểu thảo luận về việc dự án Luật bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, qui định tại Điều 51 của dự thảo Luật, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) xúc động: “Chúng tôi hiểu rằng, dù khiêm tốn đến mấy, lực lượng TNXP tham gia kháng chiến, bảo vệ biên giới rất xứng đáng được phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đó là tấm Huy chương nhuộm máu, mồ hôi, nước mắt và công sức của hàng chục vạn nam nữ TNXP”.

Đề nghị giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT - Anh 2

Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu thảo luận 

Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội với Văn hoá, đại biểu Trần Trọng Kim nói đầy xúc động: “Anh chị em cống hiến trọn tuổi xuân, rất tự hào đứng trên mặt trận hàng đầu chống quân thù. Đặc biệt, hơn 5.600 chị em giải ngũ không có điều kiện lập gia đình, không chồng, không con nhưng vẫn tiếp tục vượt khó, nam giới ít có người sánh bằng! Hai cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, giúp bạn Lào, Campuchia, hơn 60 vạn TNXP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó hơn 10 ngàn đồng chí hy sinh, 46 nghìn TNXP bị thương,13 ngàn TNXP và 4.600 con đẻ bị phơi nhiễm, tàn tật vì chất độc da cam/dioxin.

“Bảy mươi mốt năm đi qua, đến nay hơn 100 ngàn TNXP đã từ trần. Còn trên 400 ngàn TNXP vẫn chưa được khen thưởng. Tháng vừa qua, bác Lò Văn Tản là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thanh Chương, tỉnh Điện Biên, nằm trên giường bệnh bác hỏi: “Có Huy chương TNXP cho tôi chưa?” Anh em bối rối, bèn đi mượn Huy chương, đặt trên ngực để bác thanh thản ra đi”, đại biểu Kim kể lại câu chuyện cảm động.

“Nay Quốc hội thảo luận, báo chí đã giúp phản ánh nhiều tâm tư, chúng tôi hoàn toàn nhất trí Điều luật về tặng thưởng Huy chương “Thanh niên xung phong vẻ vang” ghi trong dự thảo Luật. Chúng tôi chờ đợi thời khắc quyết định, hy vọng 100% đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ nhiệt tình. Điều này sẽ tác động tích cực đối với thế hệ trẻ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta trong thời gian tới”, đại biểu Kim nói.

VÂN GIANG; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc