Đề nghị cân nhắc nâng thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông từ 1 lên 3 năm
VHO - Trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật đề xuất thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông là 3 năm.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, vào sáng 28.4, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Điều hành phiên họp là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, sau 12 năm triển khai thi hành, Luật đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục, phương thức điều hành hành chính, và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, Luật đã phát sinh một số bất cập cơ bản, mang tính phổ quát cần được sửa đổi, bổ sung.
Chẳng hạn, hiện hệ thống Công an nhân dân được tổ chức theo mô hình 3 cấp, không còn cấp huyện; chính quyền địa phương cũng tổ chức theo mô hình 2 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy đã được chuyển giao từ cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội sang cơ quan Công an.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và sự chuyển giao nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành như đã nêu trên, dự thảo Luật đề nghị trao thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho các chức danh cấp cơ sở như Trưởng Công an cấp xã thay cho một số chức danh cấp huyện như Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Ngoài ra, dự thảo luật đề xuất thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là 3 năm (quy định hiện hành là 1 năm).

“Trước thực trạng tình hình vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra còn phổ biến, các đối tượng vi phạm lợi dụng “kẽ hở” trong quy định về chu kỳ kiểm định và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để cố tình trốn tránh trách nhiệm, dự thảo Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này là 3 năm nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, và cũng bảo đảm thống nhất với lĩnh vực quản lý nhà nước khác”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày, lại đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm, như dự thảo tờ trình.
Lý do của việc này, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, vi phạm hành chính (VPHC) cần được xử lý kịp thời để nhanh chóng lập lại trật tự quản lý hành chính bị xâm phạm, có tác dụng răn đe và giáo dục người vi phạm cũng như cộng đồng.
Việc tăng thời hiệu có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong phát hiện, xử lý VPHC. Trong điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số thì việc xử lý VPHC sẽ được thực hiện nhanh hơn nên việc đề xuất tăng thời hiệu xử phạt là không phù hợp.
Theo quy định của pháp luật và thực tế hiện nay, trong trường hợp xảy ra VPHC, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử phạt do hiện nay biển số xe đã được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.
Mặt khác, Luật XLVPHC hiện hành đã quy định nếu cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở nên đã có cơ sở để xử lý bất cập nêu tại tờ trình.
Việc tăng thời hiệu xử phạt sẽ tác động rất lớn đến cá nhân, tổ chức, trong khi dự thảo Luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, không lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và chưa có đánh giá tác động cụ thể.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị chưa sửa đổi các nội dung về thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa.
Theo bà Lê Thị Nga, đây là những nội dung có tác động lớn đến quyền của cá nhân, tổ chức, trong khi chưa có tổng kết và đánh giá tác động đầy đủ mà tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện Luật này, theo dự kiến tại kỳ họp thứ 10.
Bên cạnh đó, dự thảo luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ...
"Việc này là nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực "nóng", xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua", ông Ninh giải thích thêm.