Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời gian tạm trú, tăng các nước được miễn thị thực để thúc đẩy du lịch phát triển
VHO-Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng ý với những thay đổi của dự thảo Luật về nâng thời hạn của thị thực điện tử; thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, mở rộng diện cấp thị thực điện tử…
Đề nghị xem xét, mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực
Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đánh giá đây là hai dự án luật có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc gia, mà còn trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, đầu tư, thương mai.
“Theo một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch thế giới, chính sách thị thực cởi mở, thuận lợi của các quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng du lịch quốc tế. Năm 2015, Indonesia triển khai miễn thị thực cho công dân của 169 nước với thời gian 30 ngày đã góp phần tăng lượng khách quốc tế của quốc đảo này lên 24%, tạo ra 400.000 việc làm. Năm 2015, chỉ sau hai năm áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 40 nước, lượng khách quốc tế đến Ấn Độ đã tăng 21%, tạo ra 800.000 việc làm”, đại biểu Nguyễn Hải Anh nêu dẫn chứng thuyết phục.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị xem xét, bổ sung loại thị thực đa mục đích
Trên tinh thần đó, đại biểu cho biết, ông đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo, nhất là quy định thị thực điện tử có thời hạn không quá 3 tháng so với 30 ngày như trước đây và bỏ quy định thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần; quy định nâng thời hạn lưu trú tại Việt Nam lên 45 ngày so với quy định cũ 15 ngày đối với công dân các nước được đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. Có thể khẳng định đây là những quy định hết sức cởi mở, thể hiện tinh thần hội nhập mạnh mẽ, tạo thuận lợi và đơn giản hóa thủ tục cho khách quốc tế.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị xem xét, bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho người nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương.
“Thực tế cho thấy có nhiều khách nước ngoài sau khi vào làm việc, dự hội nghị ở Việt Nam có mong muốn được kết hợp đi du lịch, trong nhiều trường hợp là tự túc, không qua công ty lữ hành du lịch. Theo quy định hiện hành thì họ phải xin cấp thị thực du lịch sau khi kết thúc chương trình làm việc chính thức, vì các thị thực nêu trên không cho phép khách đi du lịch. Vì vậy, việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích, kết hợp làm việc, dự hội nghị, hội thảo và du lịch là cần thiết, giảm thiểu thủ tục cho khách, góp phần kích cầu du lịch”, đại biểu Hải Anh đề nghị.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc tạo thuận lợi hơn trong các quy định về quá cảnh đối với người nước ngoài tại Điều 23; đồng thời xem xét tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để thăm quan, du lịch trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là miễn phí trong 48 giờ đầu và thu phí nếu vượt quá 48 giờ) như đã được áp dụng rất thành công tại Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần thu hút đáng kể một lượng khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp thăm quan, du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với các nước ASEAN
Đại biểu đến từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch mà vẫn đảm bảo quốc phòng-an ninh quốc gia, trật tự-an toàn xã hội. Theo Nghị quyết số 32 năm 2022 của Chính phủ và các văn bản còn hiệu lực, Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân của 25 nước, con số này là khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Theo thông tin chưa đầy đủ, Malaysia miễn thị thực cho công dân 162 nước, Philippines miễn 157 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao nội lực, thúc đẩy việc tham gia các cơ chế đa phương trong lĩnh vực quản lý xuất-nhập cảnh, chia sẻ dữ liệu nhập-xuất cảnh, dữ liệu về các đối tượng không được hoan nghênh, tiến tới việc xem xét thí điểm công nhận thị thực của nước thứ ba nếu điều kiện cho phép vào thời điểm thích hợp.
Số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với các nước ASEAN
Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) băn khoăn đối với công dân người nước ngoài được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì chúng ta cấp tạm trú 45 ngày, với trường hợp các nước khác thì cấp bao nhiêu ngày? Đại biểu cũng cho biết, qua nghiên cứu chính sạch thị thực của Việt Nam với các nước cho thấy, so với môt số nước, thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực với nhiều quốc gia hơn Việt Nam.
Cụ thể, hiện nay trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần các thị trường nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30-90 ngày với khách du lịch quốc tế từ các thị trường chính của họ.
Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội chiều 2.6
Hiện tại Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Ngoài ra số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với các nước ASEAN. Từ thực tiễn trên đối chiếu với các sửa đổi trong dự thảo Luật, đại biểu Hùng nhận thấy việc điều chỉnh thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực. Vì vậy đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm nội dung này và cần tăng các nước được miễn thị thực.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng đề nghị nâng thời gian tạm trú lên 60 ngày vì đây là thời gian phù hợp đối với khách du lịch có nhu cầu nghĩ dưỡng đủ dài, đồng thời phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và quốc tế. “Vì vậy, nên xem xét thời gian tạm trú lên 60 ngày để chính sách Việt Nam tương đồng với các nước như Thái Lan hay Singapore”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, qua nghiên cứu cho thấy, do thời hạn thị thực điện tử ngắn nên Du lịch Việt Nam chưa thu hút được người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày. “Do vậy, việc nâng thời hạn thị thực lên ba tháng và có giá trị một lần lên nhiều lần sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế từ các thị trường xa”, đại biểu Thành cho biết.
THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI