Đại biểu Quốc hội đề nghị tránh tư duy coi văn hoá chỉ là giải trí

VHO - Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vào chiều 31.10 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cho rằng lĩnh vực văn hoá cần được quan tâm hơn nữa, tránh tư duy coi văn hoá chỉ là giải trí và cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQG tỉnh Phú Yên nhìn nhận, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư duy, hành động và chuyển biến của các cấp, ngành liên quan đến văn hóa. Cuộc hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với một số cơ quan, tổ chức đã tạo được những dư địa, những kết quả rất tốt đẹp. Đó là một trong những vấn đề rất cơ bản để văn hóa có những bước phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tránh tư duy coi văn hoá chỉ là giải trí - Anh 1

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận chiều 31.10

Điểm thuận lợi nữa trong phát triển văn hoá, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đó là đất nước chúng ta có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5% đến 6% một năm. Đây là mơ ước của nhiều quốc gia khác với tỉ lệ dân số trẻ và người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để chúng ta phát triển trước hết là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

“Vừa rồi ban nhạc Black Pink sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm mà tổng thu là hơn 13 triệu USD. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta đề ra con số là phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD. Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã được non nửa con số chúng ta phấn đấu tổng thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Họ thu ở trên đất nước chúng ta, của người Việt Nam chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình của chúng ta. Chúng tôi vào TP.HCM, các đồng chí Sở VHTT nói rất tiếc là tiêu chuẩn của sân vận động ở TP.HCM không đạt, nếu ban nhạc này lại vào đây biểu diễn thêm 2 đêm nữa, chỉ cần 4 đêm diễn, họ bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030, như vậy dư địa rất là lớn”, đại biểu Nghĩa nêu ví dụ.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng nêu lên thực tế qua các chuyến khảo sát cho thấy việc phát triển các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật còn nhiều vấn đề khi phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn phải đi thuê. Nhiều đoàn nghệ thuật trung ương phải đối mặt với khó khăn về nhân lực vì không có chỉ tiêu biên chế, nhiều nghệ sĩ trẻ phải bỏ nhà hát trong khi các nghệ sĩ lớn tuổi thì phải đóng những vai trẻ tuổi. Các trường đào tạo nghệ thuật truyền thống cũng đối mặt với tình cảnh không có học sinh, sinh viên…

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng nhấn mạnh, văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Trọng tâm phát triển văn hóa là con người. Vì thế chúng ta cần tránh tư duy xem văn hóa chỉ là giải trí và muốn phát triển văn hoá, con người thì trước hết cần phải phát triển văn hóa công vụ, đạo đức công vụ.

“Chúng ta thấy trên báo chí và tiếp xúc hằng ngày, rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ và không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân. Ví dụ muốn bán một căn hộ tập thể để dưỡng già nhưng các cụ già 80 tuổi phải trình giấy đăng ký kết hôn, không có giấy tờ khác thay thế được. Chúng ta rất cẩn thận trong việc bảo đảm tài sản cá nhân, nhưng sự lạnh lùng đó của nền công vụ có gắn kết với những giá trị văn hóa của người Việt Nam là nhân văn, nhân ái, kính già trọng trẻ, trọng tài năng?”, đại biểu Nghĩa nêu câu hỏi và cho rằng sự làm khó nhau đó không có trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà nảy sinh từ những tư lợi, từ những việc rất cụ thể mà chúng ta đã không chấn chỉnh.

“Tôi rất thấm thía lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực và phải kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Tôi nghĩ cốt cách văn hóa Việt Nam ở những chiều sâu như vậy”, đại biểu tỉnh Phú Yên nêu quan điểm.

Trong khi đó đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQG tỉnh Tây Ninh cũng nêu lên thực tế, hiện nay, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế được đề cập đầy đủ, rõ ràng nhưng có nơi, có lúc tính chất phát triển hài hòa chưa thực sự hiệu quả. Phát triển văn hóa còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tránh tư duy coi văn hoá chỉ là giải trí - Anh 2

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng phát triển văn hoá còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế

Đại biểu tỉnh Tây Ninh cũng phản ánh kiến nghị của cử tri về việc chúng ta phát triển kinh tế chưa song hành với phát triển văn hóa và đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực phát triển văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hóa để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác.

“Quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xem văn hóa là cái đuôi, là cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, xem nhiệm vụ phát triển văn hóa chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng chẳng chết ai, đầu tư vào văn hóa không có lợi nhuận. Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm phát triển văn hóa thì cũng tự đánh mất mình, phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Không để mục tiêu phát triển kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển”, đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu.

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

Ý kiến bạn đọc