Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến
VHO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20.5, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tóm tắt về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Báo cáo cũng nêu rõ, công tác tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên; nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá.
Về nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, báo cáo cho biết đây là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm:
Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật iết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Thứ ba, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác iết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Thứ tư, tăng cường công tác tổ chức tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Thứ năm, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo Luật tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Theo đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Báo cáo đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật tiết kiệm, chống lãng phí; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết. Nhận thức, trách nhiệm về tiết kiệm, chống lãng phí được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình tiết kiệm, chống lãng phí tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.