Công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát các nhiệm vụ quan trọng, đột phá của đất nước

TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC

VHO - Sáng 12.7, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng.

Công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát các nhiệm vụ quan trọng, đột phá của đất nước - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương

Phiên họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; xem xét, quyết định phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và một số vấn đề quan trọng khác.

Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo và ý kiến phát biểu; đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các đồng chí thành viên Hội đồng; ghi nhận, biểu dương các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã hưởng ứng, phát động, triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tích chung và việc triển khai thành công các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 của các địa phương còn chậm. Công tác phát hiện các điển hình trong phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa được chú trọng. Khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, công tác còn chưa đồng đều và tỉ lệ khen thưởng cấp nhà nước còn thấp. Trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan đơn vị chưa được đề cao; vẫn còn để ra sai phạm trong công tác khen thưởng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do tinh thần trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa cao, tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ổn định; năng lực một số công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát các nhiệm vụ quan trọng, đột phá của đất nước - ảnh 2

Thứ hai, các phong trào thi đua cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ quan trọng, đột phá của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương, gắn lợi ích chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích thiết thực của các tập thể, cá nhân.

Thứ ba, khẩn trương hoàn thiện thể thế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.

Thứ tư, quan tâm tới bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ năm, khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; và khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; tránh bệnh hình thức.

Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng theo đúng quy định, thẩm quyền.

Các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát, triển khai các nhiệm vụ để hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh...

Bộ Y tế chủ trì tổng kết phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", hoàn thành trong quý III/2024.

Bộ Nội vụ, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức phát động và thực hiện tốt Đợt thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc".

Các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI, tạo khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bộ Nội vụ có giải pháp hiệu quả thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác thi đua, khen thưởng; trong đó khẩn trương sử dụng chữ ký tắt điện tử trong việc trình hồ sơ thi đua, khen thưởng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; kết quả phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.