Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật được Quốc hội thông qua

HOÀNG HƯƠNG; ảnh: NGUYỄN HOÀNG

VHO - Sáng nay 28.2.2015, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại ký họp bất thường lần thứ 9.

 Các luật được công bố, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật được Quốc hội thông qua - ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 3 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9

Giới thiệu về Luật Tổ chức Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đây là lần đầu tiên Luật Tổ chức Chính phủ thiết kế các điều về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, uỷ quyền, là căn cứ pháp lý quan trọng mang tính nguyên tắc để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp; mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.

Các quy định mang tính nguyên tắc tại Luật này là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành được đồng bộ, thống nhất.

Luật giải quyết mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trọng hệ thống bộ máy nhà nước, giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Thông qua việc xác định rõ mối quan hệ này, Luật đã xác định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, bảo đảm cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành và thống nhất quản lý nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Luật đã làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; làm nổi bật nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trưng ương đến địa phương.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật được Quốc hội thông qua - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng giới thiệu Luật Tổ chức Chính phủ

Các quy định tại Luật đã làm rõ thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ và với tư cách là thành viên Chính phủ.

Trong đó đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công của Chính phủ.

Với tư cách này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan  ngang Bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội  về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Việc phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ tạo điều kiện để tăng cường trách nhiệm của Bộ trưởng trong Quy chế làm việc của Chính phủ, không đẩy trách nhiệm quyết định các vấn đề cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực lên Thủ tướng Chính phủ quyết định như hiện nay.

Luật đã làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương thông qua các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền, bảo đảm bám sát phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, tạo cơ chế giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều kiện hệ thống thể chế chưa được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đang được quy định trong các điều, khoản, điểm có liên quan tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thưởng vụ Quốc hội để thống nhất áp dụng.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, nguyên tắc thiết kế của Luật lần này được xem là một đột phá lớn, một quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội khi lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chưa có tiền lệ, trong một thời điểm lịch sử đặc biệt của đất nước.

Đây là một quyết định táo bạo, thể hiện sự đột phá về tư duy lập pháp, thể hiện tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ trong đề xuất xây dựng Luật và tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp của Quốc hội.