Chủ tịch Quốc hội: Tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển
VHO - Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 20.9, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Hà Nội không chỉ cạnh tranh trong nước nữa mà khu vực thế giới phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu”.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thủ đô Hà Nội là một đô thị đặc biệt, ngoài chức năng là Thủ đô thì còn là một đô thị đặc biệt. Vì vậy, dự án Luật Thủ đô tiếp tục cần phải rà soát để các cái quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí về việc thực chất đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền, và phân cấp, phân quyền phải toàn diện các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền toàn diện nhưng lại phải trọng tâm, trọng điểm.
Thủ đô đã có Nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển; nghiên cứu cho Hà Nội có thẩm quyền và quy định những cái khác biệt so với các nơi khác về xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; về chính sách huy động vốn, ngoài định mức đã được quy định, cần thiết phải có cơ chế huy động nguồn vốn để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thành phố...
Trước đó, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đồng thời, nhận định Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật; dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành mà qua tổng kết thực tiễn thấy rằng vẫn tiếp tục phát huy giá trị.
Được biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Trong đó, nhóm chính sách về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội, dự thảo Luật nêu rõ: Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hoá văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định các cơ chế để phát triển văn hóa, giáo dục, trong đó có một số cơ chế nổi bật sau: Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa); Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học…
TÙNG QUANG; ảnh: QUỐC HỘI