Chủ tịch Quốc hội lưu ý 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

VHO-Sáng 4.3 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội lưu ý 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai - Anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm

Tọa đàm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng dự còn có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Lãnh đạo Viện nghiên cứu Lập pháp và các cơ quan của Quốc hội.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một là cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án luật

Hai là kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thành luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm. Cần chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.

Ba là phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể. Thứ tư là quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Gợi mở thêm những vấn đề để các nhà khoa học, các diễn giả, đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.  Cụ thể, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã đều chưa được đề cập trong dự thảo luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chru thể có trách nhiệm trong quản lý nhà nước.

Nhóm vấn đề thứ hai là thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai - Anh 2

Toàn cảnh Toạ đàm

Nhóm vấn đề thứ ba là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà khoa học, diễn giả, đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành.

Nhóm vấn đề thứ tư là về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đát để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về bồi thường, các quy định về hỗ trợ, quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, GS.TS.NGND Đỗ Thế Tùng, Hội cựu giáo chức Học viện CTQG Hồ Chí Minh góp ý cụ thể vào điều 129 nguyên tắc, phương pháp định giá đất; điều 132 tư vấn xác định giá đất, điều 237 quy định chi tiết trong Luật Đất đai.

Kết luận Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: 14 ý kiến phát biểu tại Tọa đàm và nhiều ý kiến đăng ký khác nhưng do khuôn khổ thời gian có hạn nên sẽ nhận qua đóng góp bằng văn bản, đã thể hiện tâm huyết, gợi ý mang tính nguyên tắc và mở rộng nhiều vấn đề căn cốt liên quan tới dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó cơ bản đều quán triệt sâu sắc Nghị quyết 18 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, các ý kiến góp ý cũng được nêu ra trên tinh thần kế thừa Luật Đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi chi tiết, đã góp ý cụ thể từng điều một và đây là cách góp ý đúng tinh thần để hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó nổi lên các ý đề xuất làm rõ một số khái niệm; nội hàm từng điều khoản; đi vào các nội dung cụ thể về xác định giá đất, định giá, quy định từng loại đất trong từng lĩnh vực khác nhau: tôn giáo, dân tộc thiểu số (DTTS); vấn đề tài chính đất (thuế, cách tính giá...), tư vấn độc lập về đất đai, kế hoạch quy hoạch sử dụng đất...

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, với nhiều nội dung phong phú, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thành báo cáo tiếp thu tối đa, có chọn lọc gửi Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là kế thừa, đổi mới, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện…

THANH BÌNH

Ý kiến bạn đọc