Chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng
1. Những vấn đề chung về xây dựng văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị là một bộ phận của văn hóa đời sống xã hội, có vai trò quan trọng trong sự phát triển. Văn hóa chính trị được cấu thành bởi hai yếu tổ là văn hóa và chính trị, chính trị ở đây được hiểu là tư tưởng chính trị và hành động chính trị và văn hóa là ở đây là những giá trị, những cái đẹp, nhân văn… Mỗi quan hệ giữa văn hóa và chính trị là mỗi quan hệ tác động qua lại với nhau, văn hóa giữ vai trò phục vụ chính trị, nhận xét, đánh giá chính trị, ở chiều ngược lại chính trị làm cho văn hóa tiên tiến, nhân văn hoặc lạc hậu, phản tiến bộ…
Chương trình nghệ thuật 'Khát vọng - Tỏa sáng' chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Phạm Đông
Đối với nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị và giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị. Ngay sau khi Đảng ra đời, năm 1943 Đảng đã xây dựng Đề cương văn hóa ViệtNam với các nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Các nguyên tắc trên có thể được khái quát như sau: Nguyên tắc “dân tộc hóa” là nhằm chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Nguyên tắc “khoa học hóa” được xác định là chống lại tất cả những gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, đồng thời mang tính thời đại, bổ sung sự thiếu hụt của nền văn hóa truyền thống. Nguyên tắc “đại chúng hóa” nhằm chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại quần chúng hoặc xa rời quần chúng.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn nghiên cứu, bổ sung các quan điểm mới về xây dựng, phát triển nền văn hóa phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ các giá trị văn hóa của dân tộc được phát huy cao độ, qua đó văn hóa đã góp phần quan trọng vào thắng lợi công cuộc chống giặc ngoại xâm.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, Nghị quyết khẳng định nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải.
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, y chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.
Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), Hội nghị đã ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Một trong 5 quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tới xây dựng và phát triển văn hóa, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa luôn được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện theo tinh thần tiên tiên và mạng đậm bản sắc dân tộc để đáp ứng yêu cầu sự phát triển của từng thời kỳ cách mạng.
2. Thực trạng xây dựng văn hóa chính trị
Như đã trình bày ở trên, chính trị được hiểu là tư tưởng chính trị và hành động chính trị, khi Đảng ta luôn có tư tưởng chính trị tiến bộ về xây dựng và phát triển văn hóa, vậy để giải quyết hiệu quả mỗi quan hệ giữa chính trị và văn hóa, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị được đặt ra là xây dựng văn hóa hành động chính trị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra 6 nhiệm vụ để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Nhiệm vụ về xây dựng văn hóa trong chính trị được Nghị quyết đề ra“Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”.
Trong những năm gần đây Đảng, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể đã xây dựng, ban hành các văn bản để cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị:
Về xây dựng văn hóa trong Đảng, Đảng chưa có nghị quyết riêng về xây dựng văn hóa trong Đảng, song trong các nghị quyết về xây dựng, phát triển văn hóa và các nghị quyết về xây dựng Đảng ở các mức độ khác nhau đều đề cập đến xây dựng văn hóa trong Đảng. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm gần đây đã chứng minh, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, công tác chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, vì vậy mà các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được kịp thời phát hiện và xử lý như: Vụ án sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; Vụ án sai phạm tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Việc xử lý Giám đốc CDC Quảng Ninh vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp;… Từ những việc phát hiện và xự lý kịp thời các vi phạm trong thời gian qua, cũng như xử lý các vụ việc xẩy ra những năm trước đây cho thấy công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, kiên trì, góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Về xây dựng văn hóa trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể được triển khai thực hiện phù hợp với từng cơ quan, đơn vị với những hoạt động, những phong cụ thể như: việc các ngành, các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai xây dựng quy tác ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”…. Từ những phòng trào và hoạt động cụ thể đó đã từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức công vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tượng nhũng nhiễu, tham những, tiêu cực, lãng phí vẫn còn diễn ra. Ví dụ như trong vụ án sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, trong khi cả nước đang đoàn kết vượt qua khó khăn để phòng chống dịch bệnh, thì bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi ngược lại đạo đức công vụ, ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc, hơn nữa vụ án còn xẩy ra trên diện rộng, coi việc nhận tiền “hoa hồng”, “lại quả” là đương nhiên. Vậy trong điều kiện thường người dân có phải trả một khoản tiền “hoa hồng”, “lót tay” khi thực hiện một dịch vụ hành chính nào đó không? hay để được xử lý vi hành chính nhẹ hơn người dân có phải bỏ ra một khoản tiền để “lót tay” (tham nhũng vặt) hay không?… Những hiện tượng đó nhiều người biết, song không ít người biết đó là vi phạm pháp luật mà vẫn đưa, vẫn nhận như là một việc bình thường. Đứng dưới góc độ văn hóa chính trị, đạo đức xã hội thì đây là điều đáng lo, tiếng chuông đáng báo động.
3. Một số vấn đề về xây dựng văn hóa trong chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", lời dạy của Người càng có ý nghĩa to lớn hơn trong xây dựng văn hóa chính trị, vì Đảng ta Đảng cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo trong hệ thống chính trị, suy ra văn hóa Đảng sẽ soi đường cho quốc dân đi. Đứng trước thực trạng về xây dựng văn hóa trong chính trị cho thấy, công tác xây dựng văn hóa trong chính trị hiện nay cần phải đẩy mạnh và tích cực hơn nữa trong triển khai thực hiện và quan tâm một số nội dung sau:
Thứ nhất, công tác xây dựng văn hóa trong chính trị cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ tổ chức cơ sở đảng, vì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều chịu sự lãnh đạo, chị đạo trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng. Những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã và đang diễn ra ngay sát sườn của tổ chức cơ sở đảng, vì vậy phải khắc phục cho được tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập.
Thứ hai, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng phát triển văn hóa là xây dựng con người, vì vậy công tác xây dựng văn hóa trong chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân cần được triển khai trong cả hệ thống chính trị. Không thể coi việc xây dựng văn hóa trong chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là của riêng các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong các hoạt động văn hóa của các cấp, các ngành cần có dung lượng phù hợp cho công tác xây dựng văn hóa trong chính trị.
Thứ ba, có các giải pháp để quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng văn hóa trong chính trị, để quần chúng nhân dân lên án, khinh ghét tệ nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện phản văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thứ tư, trong thời gian qua các ngành, cơ quan, đơn vị đã chú trọng công tác xây dựng văn hóa trong chính trị như: xây dựng nội quy cơ quan, xây dựng văn hóa ứng xử, lễ lối làm việc, …. Song để hình thành những giá trị văn hóa, các ngành, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu cụ thể để xây dựng các giá trị phù hợp với ngành, cơ quan, đơn vị. Thực tiễn trong thời gian qua một số ngành, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã quan tâm tới việc xây dựng văn hóa ứng xử, kết quả qua thời gian triển khai thực hiện đã hình thành những phong cách ứng xử phù hợp với ngành, doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự hài lòng đối với khách hàng ví dụ như các hãng hàng không của Việt Nam, Tập đoàn Vingroup…
Thứ năm, việc xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng đội cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (là xây dựng công bộc), vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện đồng bộ, song hành với các nhiệm vụ khác như: công tác xây dựng tư tưởng chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân, để nhân dân tích cực tham gia…. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị sẽ không thành công nếu như không kịp thời ngăn chặn tính trạng tham nhũng, tiêu cực. Hay để đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cần có các chính sách khơi dậy khát vọng cống hiến như: các chính sách về vật chất, chính sách về tinh thần…, có như vậy công tác xây dựng văn hóa trong chính trị sớm mang lại hiệu quả, tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ sáu, sự vận động của văn hóa thường diễn ra chậm hơn so với một số lĩnh vực khác, vì vậy việc tiếp thu, hình thành cái mới, cái tốt đẹp hay loại bỏ cái lạc hậu cần có thời gian để tạo ra sự chuyển biến hoặc thay đổi. Tham những là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, điều đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêuc cực, vì vậy công tác xây dựng văn hóa trong chính trị phải là việc làm thường xuyên, lâu dài, kiên trì.
NGUYỄN THÁI VINH
Cục Văn hóa cơ sở,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch