“Cây tre ngoại giao” Việt Nam đang vươn cành, tỏa bóng!

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

VHO - Sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh thứ 79 tại Liên Hợp Quốc diễn ra ở New York (Mỹ) từ ngày 22.9 - 26.9.2024, Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu, đã tới thăm Cuba - hòn đảo tự do và quật cường ở vùng biển Caribe thơ mộng.

Trở về Việt Nam ít ngày, Đoàn lại bay sang thăm Mông Cổ - đất nước thảo nguyên mênh mông ở phương Bắc; tiếp đó bay xuống phương Nam thăm Cộng hòa Ireland; rồi trở về Paris - “kinh đô ánh sáng” của châu Âu dự Hội nghị Cộng đồng Pháp ngữ; sau đó thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Macron.

Ưu tiên bang giao với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, thuỷ chung

Theo dõi những nơi Đoàn Việt Nam đặt chân thăm, có người tò mò hỏi: “Trong chuyến công du đối ngoại lần này, sao Đoàn ta lại chọn thăm Mông Cổ đầu tiên, một nước chỉ có khoảng 3 triệu rưỡi dân, tài nguyên không giàu, mà một trong những tài nguyên được nhiều người biết đến là sản phẩm chủ yếu chế biến từ con cừu?”.

Xin tạm gác chuyện bàn quốc gia ấy giàu hay nghèo, mà điều cần được ghi nhận đó là người Việt Nam có truyền thống trọng tình, trọng nghĩa, luôn nhớ đời những hành động thể hiện ý thức “miếng ăn khi đói bằng gói khi no”, mà tiêu biểu là khi dân tộc ta chống đế quốc Mỹ xâm lăng có binh hùng tướng mạnh, ào ạt trút bom đạn xuống Việt Nam, thì chính trong những ngày tháng gian nan, đau thương ấy, nhân dân Mông Cổ đã dùng tàu hỏa chở hàng vạn con cừu sang tặng Việt Nam với tấm lòng giúp nhân dân và bộ đội ta có thêm nguồn thực phẩm bổ sung cho sức mạnh chiến đấu chống ngoại xâm.

Lần này, với việc người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đến thăm Mông Cổ, là biểu hiện sinh động của chính sách “ngoại giao cây tre” mang bản sắc Việt Nam là ưu tiên bang giao với các nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống, từng thủy chung với Việt Nam qua những biến thiên phức tạp của thế giới đương đại.

Theo hướng đó, trước thời gian sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lần lượt sang thăm Lào, Campuchia, Trung Quốc; sau đó đón tiếp trọng thị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; tiếp đến là đón Tổng thống Nga Putin sang thăm Hà Nội; và mới đây, ngày 12.10.2024, Việt Nam lại đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sang thăm.

Điều đó thể hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn với tất cả các nước, không phân biệt nước lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, miễn là họ có thiện chí hợp tác với Việt Nam vì lợi ích của cả hai phía.

Trên con đường đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, dù đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhưng còn không ít khó khăn, thách đố, Việt Nam vẫn kiên định chủ trương là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chung sức giải quyết các vấn đề đại sự của nhân loại đặt ra.

Ngoài việc trợ giúp lương thực, thuốc men cho các nước đang gặp hoạn nạn, khó khăn bởi xung đột sắc tộc, hoặc có chiến tranh, Việt Nam đã cử gần chục đoàn quân tình nguyện sang Trung Đông, châu Phi, tham gia gìn giữ hòa bình, khắc phục hậu quả địch họa, thiên tai, trợ giúp lương thực, thuốc men và những thứ cần thiết khác, được dư luận quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao!

“Ngoại giao cây tre” - Sự độc đáo trong kết nối và mở rộng đông minh

Tôi đọc kỹ bài viết trên báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) số ra ngày 10.10.2024 bình luận về chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với tiêu đề gây sự chú ý đặc biệt: “Xóa bỏ thù cũ, kết nối đồng minh”.

Bài báo cho biết, quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới vì trong quá khứ, hai nước từng bị trói buộc bởi lịch sử đen tối của chế độ thuộc địa. Sự cai trị thuộc địa của Pháp đối với Việt Nam bắt đầu từ việc Pháp xâm chiếm Đông Dương năm 1858 và kéo dài trong suốt một thế kỷ.

Bài báo nhấn mạnh: “Chế độ thuộc địa chấm dứt với việc lực lượng cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đánh bại quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ gây chấn động toàn cầu năm 1954. Sau thất bại trong trận chiến này, ảnh hưởng của Pháp ở Thế giới thứ 3, bao gồm châu Á, châu Phi và Trung Đông nhanh chóng suy giảm. Đó là một lịch sử đau thương đối với nước Pháp”.

Theo bài viết, mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Pháp với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, là kết quả của sự điều chỉnh lợi ích của Việt Nam trong việc kiểm soát ảnh hưởng của các cường quốc thông qua sự hỗ trợ từ Pháp ở châu Âu. Đổi lại, các cường quốc này cũng đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bài báo coi thành công của chuyến thăm còn liên quan đến vấn đề Biển Đông, thể hiện trong Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Việt - Pháp được thông qua sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 7.10 giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại điện Elysée ở Paris. Hai bên đã nhất trí bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Bài báo khẳng định, “Việt Nam đã đạt thêm một kết quả thông qua “ngoại giao cây tre” độc đáo nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia thiết thực”.

Còn tờ Kommersant (Thương gia) của Nga có bài viết cho rằng, với “ngoại giao cây tre”, bao hàm việc Việt Nam cân bằng quan hệ giữa các nước chủ chốt trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nga, vừa có thêm thành tích mới khi nâng cấp quan hệ với Pháp lên cấp Đối tác chiến lược toàn diện.

“Đối với Pháp, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, đã trở thành một trợ giúp rõ ràng cho việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này.

Văn kiện từ năm 2019 nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của Paris, trước hết là quyền tự do hàng hải trong khu vực, nơi có khoảng 1,65 triệu công dân Pháp sống trên các lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Cũng với mục đích tương tự, Pháp đã bắt đầu đàm phán với Philippines về một thỏa thuận tiếp cận chung cho phép quân đội hai nước tập trận trên lãnh thổ của nhau. Không phải vô cớ mà Tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp và Việt Nam thể hiện cam kết của cả hai nước trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Bài báo chỉ rõ, “đối với Việt Nam, nâng cấp quan hệ với Pháp là một bước tiến mới hướng tới củng cố trên thực tế chính sách đối ngoại đa chiều. Việt Nam từ lâu đã theo đuổi chính sách làm sâu sắc thêm quan hệ với các cường quốc quan trọng trong khu vực và thế giới, không gây hấn với ai và giữ thái độ trung lập. Kiểu ngoại giao như vậy được chính quyền Việt Nam gọi là “ngoại giao cây tre”“.

Bài báo viết tiếp: “Trong nhiều năm, Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam chỉ có 3 quốc gia: Trung Quốc (từ 2008), Nga (từ 2012) và Ấn Độ (từ 2016). Tuy nhiên, khoảng hai năm nay, số đối tác có quy chế quan hệ ngoại giao cao nhất với Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Tháng 12.2022, Hàn Quốc trở thành quốc gia mới có quy chế này; sau đó, Việt Nam nâng tầm quan hệ với Mỹ vào tháng 9.2023, rồi tiếp theo là với Nhật Bản, Australia và giờ đây là Pháp.

Điều quan trọng là, khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và các đồng minh, Việt Nam đã không làm hỏng mối quan hệ với những nước mà Mỹ coi là đối thủ địa chính trị như Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng đối với Việt Nam”.

Bước đi khôn ngoan, mang tính chiến lược

Còn RFA, ngày 7.10 cho rằng, “bên cạnh các hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo và nhiều nội dung khác, Tuyên bố chung Việt - Pháp nhấn mạnh vấn đề Biển Đông và hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước. Đây dường như là lần đầu tiên Việt Nam trực tiếp đề cập hợp tác quốc phòng với một cường quốc phương Tây”.

Bài viết nhận xét: “Với động thái này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với hầu hết ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Bài báo đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp vào thời điểm này? Tại sao Biển Đông và quốc phòng - an ninh được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung?”.

Báo dẫn lời luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa (Canada), chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam, cho biết: “Sự kiện Việt Nam lần đầu tiên nhấn mạnh quan hệ an ninh - quốc phòng và hợp tác công nghiệp quân sự với một nước phương Tây, cụ thể là Pháp, có thể coi là một bước ngoặt chiến lược quan trọng. Điều này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn vũ khí và chiến lược quân sự từ Nga và Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn mở rộng và đa dạng hóa các đối tác quốc phòng”.

Bài báo kết luận: “Quyết định nói trên của Việt Nam là một bước đi khôn ngoan, mang tính chiến lược, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao năng lực quốc phòng”.

Đến đây, chúng ta càng thấm hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên các nước thừa nhận sự khôn khéo, uyển chuyển của Việt Nam trong chính sách “ngoại giao cây tre”; càng không ngẫu nhiên khi thấy sự thành công ngày càng ngoạn mục của chính sách này.

Theo quy luật tự nhiên, cây tre trụ vững qua bão giông, mưa nắng do rễ bám sâu lòng đất, tiếp nhận được chất mỡ màu, nhờ vậy thân vươn cao vững chắc. Còn theo quy luật vận động xã hội, “mảnh đất” để cây tre trụ vững và cứng cáp, vươn tán sum suê, chính là thành quả lớn lao của gần 40 năm thực hiện Cương lĩnh đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và hăng hái thực thi có hiệu quả do biết kết hợp chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực. Đó là nền tảng vững chắc để toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam!

Chúng ta đồng lòng làm theo lời Bác Hồ căn dặn:

“Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Vì đại nghĩa, Việt Nam đã và đang làm cho “cây tre ngoại giao” của mình có gốc vững và thân chắc bền để tán cây sum suê cành lá, ngày càng tỏa bóng rộng, góp sức “hạ nhiệt” các vấn đề toàn cầu đang nóng lên, biến cái “không thể” thành cái “có thể”!

Hà Nội, 12.10.2024