Chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương:
Bước ngoặt cải cách vì một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả
VHO - Sáng 14.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cuộc thảo luận được xem là dấu mốc lịch sử trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, với nội dung then chốt là chuyển đổi từ mô hình chính quyền ba cấp (tỉnh, huyện, xã) sang hai cấp (tỉnh và xã).
Nâng cao vai trò cấp xã trong bộ máy chính quyền

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bỏ cấp trung gian là cấp huyện sẽ làm gia tăng đáng kể chức năng, nhiệm vụ, quy mô của chính quyền cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhận định, cấp xã trong tương lai không chỉ mở rộng phạm vi quản lý mà còn gánh vác phần lớn nhiệm vụ trước đây thuộc cấp huyện.
Theo ông, cần xây dựng các quy định phù hợp, đồng thời điều chỉnh ngôn ngữ dịch thuật trong hoạt động đối ngoại để phản ánh đúng vai trò mới của cấp xã trong bối cảnh hội nhập.
Một kiến nghị khác được đại biểu Cảnh nêu là việc cập nhật thông tin địa chỉ hành chính sau sáp nhập địa giới trên giấy tờ công dân. Ông đề xuất bổ sung cả địa chỉ cũ và mới hoặc sử dụng mã QR để bảo đảm tính liên thông, thuận tiện trong giao dịch và quản lý hành chính.
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) bày tỏ đồng thuận với việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương, xem đây là bước đi chiến lược để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, khi không còn cấp huyện, HĐND cấp xã sẽ đóng vai trò then chốt trong giám sát và quyết định các vấn đề tại cơ sở.

Bà đề nghị cần rà soát kỹ các quy định tại khoản 3 Điều 29 của dự thảo Luật để bảo đảm hoạt động của các Ban HĐND cấp xã không bị suy giảm hiệu quả. Với quỹ thời gian hạn chế, việc nâng cao năng lực và tăng cường đại biểu chuyên trách là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng giám sát, thẩm tra các quyết sách quan trọng tại địa phương.
Phân cấp mạnh, nhưng phải rõ ràng và minh bạch

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền rõ nét, đặc biệt là tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã. Tuy nhiên, ông đề nghị cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm minh bạch và công khai, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, ngân sách và đầu tư công.
Ông cũng đề xuất nâng số lượng đại biểu HĐND cấp xã chuyên trách từ 3 lên 4–5 người để đáp ứng khối lượng công việc ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng tại khoản 4 Điều 11 về việc UBND cấp tỉnh được quyền trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới trong trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi người dân và thúc đẩy phát triển.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là cuộc cải cách sâu sắc mang tính kiến tạo, chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phát triển. Việc rút gọn từ ba cấp xuống hai cấp là nhằm hình thành một bộ máy chính quyền địa phương gọn nhẹ, linh hoạt, gần dân và phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp để thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương – một bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới.
Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp thực tiễn và tạo nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người dân.