Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH báo cáo làm rõ thêm tình trạng trục lợi BHXH và rút BHXH một lần
VHO-Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tuần làm việc thứ 3 diễn ra từ ngày 6-8.6, trong đó, trọng tâm là hoạt động chất vấn. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và bốn Bộ trưởng các nhóm vấn đề: lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc.
Trọng tâm của tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là hoạt động chất vấn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, GD&ĐT, Nội vụ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước phiên chất vấn diễn ra vào ngày 6.6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng trục lợi BHXH và rút BHXH một lần.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 5.2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật BHXH thì người lao động có thể: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ BHXH của người lao động với giá rẻ kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Từ tháng 4.2020, Bộ LĐ,TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam để chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thu mua sổ BHXH của người lao động và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, bộ này phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế trình trạng hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Đồng thời bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới nội dung này.
Một vấn đề đáng chú ý khác là tình trạng mượn hồ sơ của người khác tham gia BHXH. Theo báo cáo sơ bộ của BHXH Việt Nam (năm 2022), số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan BHXH các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.
Trong đó, đã giải quyết 9.320 lượt người hưởng chế độ ốm đau với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, 301 lượt người hưởng chế độ thai sản với số tiền trên 3,7 tỉ đồng, 102 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 2,2 tỉ đồng, 71 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền trên 185 triệu đồng. Hiện tại, người lao động mượn hồ sơ muốn điều chỉnh thông tin cá nhân để làm cơ sở tiếp tục tham gia và hưởng các quyền lợi BHXH.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 15 và khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động), đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ. Bộ cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan bảo hiểm xã hội, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động ra cơ quan tòa án để thực hiện thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, sau đó cơ quan BHXH sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin tham gia BHXH của người lao động theo quyết định của tòa án
Cùng với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn ba Bộ trưởng các nhóm vấn đề: giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ làm rõ thêm một số vấn đề Quốc hội quan tâm.
Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng, LĐ,TB&XH, VHTTDL, TT&TT, TN&MT Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn gồm: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, KH&ĐT... cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn gồm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.
Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn nhóm vấn đề về giao thông vận tải. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng một số Bộ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Liên quan đến công tác lập pháp, trong tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng sẽ thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về hai dự thảo Nghị quyết và một dự án luật, gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng tiến hành thảo luận ở tổ đối với bảy dự án luật, gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Tiếp đó, từ ngày 11- 18.6.2023, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đợt 2, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 19-24.6.2023.
TÙNG QUANG