Bác Hồ với việc hình thành nơi đọc sách báo cho nhân dân và trẻ em

VH- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc hình thành nơi đọc sách báo, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là các em thiếu nhi có thể tự học và học suốt đời. Thể hiện sự quan tâm ấy, trong cuốn Đường cách mệnh phần “Cách tổ chức công hội” Bác đã nêu là lập nơi xem sách báo cho công nhân được đặt bên cạnh việc lập trường học cho công nhân cùng con em công nhân và lập nhà thương cho họ.

Bác Hồ với việc hình thành nơi đọc sách báo cho nhân dân và trẻ em - Anh 1

 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Ảnh: TƯ LIỆU

Ngay sau khi giành được chính quyền chưa đầy 4 tháng, ngày 31.1.1946, Người đã ký Sắc lệnh số 18-SL về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hoá phẩm trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sắc lệnh này đã được thi hành trong nhiều năm góp phần đảm bảo cho các thư viện, đặc biệt là Thư viện quốc gia Việt Nam có điều kiện thu, tàng trữ và sử dụng các tài liệu được xuất bản trên đất nước Việt Nam để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân mà bất cứ người nào làm công tác thư viện ở Việt Nam cũng không thể không nhắc tới với một lòng biết ơn vô hạn.

Là người từng trải, đã từng bôn ba ở nước ngoài nhiều năm, Người đã từng là bạn đọc của một số thư viện, tiêu biểu là Thư viện quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông. Chính từ việc sử dụng sách báo tại các thư viện này mà Người đã có nhiều tư liệu quý báu để viết sách, báo và nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng.

Với Hồ Chủ tịch, tác dụng của sách báo và thư viện không chỉ giúp ích cho việc học tập, nâng cao trình độ mà trong những bối cảnh nhất định nó còn có sức mạnh công phá mạnh hơn cả đạn bom. Cũng bởi thế khác với những vị quân vương, các nguyên thủ quốc gia khác, sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với thư viện không chỉ dừng lại ở những ý kiến văn bản, chỉ thị mà còn thể hiện ở có nhiều việc làm thiết thực và cụ thể.

Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 và đặc biệt là qua Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, ngay từ khi còn trẻ tuổi, lúc làm thầy giáo ở trường Dục Thanh ở Phan Thiết, thầy Nguyễn Tất Thành đã nung nấu việc lập ra một thư viện trong nhà trường để cho học trò có nhiều sách để đọc. Không kịp thực hiện điều ấy, trước lúc đi xa, Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của trường Dục Thanh. Phải chăng để ghi nhớ một việc làm đầy nghĩa cử ấy, về sau này trong thập kỉ 70, Bộ Giáo dục đã phát động phong trào xây dựng Tủ sách Nguyễn Tất Thành. Phong trào này đã diễn ra sôi nổi khắp các trường học của miền Bắc một thời. Đó chính là cơ sở để hình thành một hệ thống thư viện nhà trường rộng khắp trên toàn quốc hiện nay.

Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Bằng nhiều cách khác nhau Người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em có sách đọc. Khi mọi người đề nghị Bác tổ chức sinh nhật, Người đã gạt đi vì theo Người đó là lãng phí không cần thiết khi mà trẻ em thiếu sách và nhiều nơi chưa có phòng đọc trong nhà trường. Ngày 23 tháng 3 năm 1963, khi đọc báo Hà Nội mới, qua bài “Tủ sách nhỏ” Người được biết có ba em nhỏ đang góp tiền xây dựng “Tủ sách Kim Đồng”. Đọc xong, Người đã ghi ngay bên cạnh bài báo: “Đi xem. Về, Văn phòng có thể gửi cho một số sách mà các em chưa có”.

Người cũng đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách trong nhân dân và đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Bác, thanh thiếu niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm - Hà Nội) đã gửi lụa tặng Hồ Chủ tịch và Người đã đáp lại tấm lòng của lớp trẻ bằng một món quà đặc biệt. Cuốn Bác Hồ với nông dân Hà Nội đã ghi lại điều đó như sau: “Bác đã gửi tặng lại thanh niên xã Ngọc Thụy một tủ sách hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đấy là những cuốn sách hay, những chuyện về người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và những truyện cổ tích nữa”.

Chính từ tư tưởng và sự quan tâm của Bác Hồ về việc lập ra nơi đọc sách cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được một mạng lưới thư viện phát triển rộng khắp cả nước, hình thành môi trường đọc khá thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi ở các địa phương và đơn vị công tác, học tập. Đến nay, chúng ta đã có mạng lưới thư viện từ Trung ương tới cơ sở, với hai loại hình thư viện cơ bản: Thư viện công cộng (bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện, hơn 20.000 thư viện/phòng đọc sách xã và tủ sách thôn, làng, bản, ấp), thư viện đa ngành, chuyên ngành với khoảng 400 thư viện các trường đại học, cao đẳng, gần 26.000 thư viện trường phổ thông các cấp và khoảng 100 thư viện Bộ, ngành, các viện nghiên cứu…

Trong những năm qua, các thư viện ở Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí. Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, thực hiện học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đọc và tự học, hãy luôn nhớ và làm theo lời Người căn dặn: Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc…

 VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ

Ý kiến bạn đọc