Thi trực tuyến về các quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài
VHO- BTC cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” (Bộ Tư Pháp) mới đây đã ban hành Thể lệ cuộc thi. Theo đó, cuộc thi được tổ chức và phát động trên môi trường internet,không giới hạn về phạm vi địa lý. Đối tượng dự thi là Công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam.
Ảnh minh họa
Thể lệ nêu rõ, nội dung thi là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài, người gốc Việt Nam; pháp luật về cư trú, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bầu cử; xuất cảnh, nhập cảnh; đất đai, nhà ở; các quy định về chính sách bảo hộ của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài cũng như chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Cuộc thi sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày (từ 0h00 ngày 25.10.2022 đến 24h00 ngày 25.11.2022, theo múi giờ Việt Nam (GMT +7)). Về hình thức, cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://moj.gov.vn/cuocthitructuyen và được đặt banner trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Cổng Trang thông tin điện tử của một số đơn vị liên quan.
Để tham gia thi, người dự thi truy cập trực tiếp địa chỉ của cuộc thi. Người dự thi cần hoàn thành việc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân trước khi vào thi. Người dự thi không được thay đổi thông tin khai báo trong các lần tham gia thi, thông tin này sẽ là căn cứ để BTC Cuộc thi xác minh, xét và trao giải.
Bước 1: Người dự thi truy cập vào địa chỉ cuộc thi, điền đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân bắt buộc theo yêu cầu của BTC trên phần mềm. Các trường thông tin bắt buộc gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; Số chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Số định danh cá nhân/Số hộ chiếu; Số điện thoại liên hệ. Các thông tin bắt buộc nêu trên là thông tin không thay đổi và được sử dụng trong suốt quá trình tham gia thi.
Bước 2: Người dự thi bấm nút “Vào thi” để vào phần trả lời các câu hỏi; dự đoán số lượng người trả lời chính xác tất cả các câu trắc nghiệm; nhập mã xác nhận hiển thị trên màn hình trước khi bấm nút “Nộp bài” để kết thúc lượt thi. Người dự thi được coi là hoàn thành lượt thi khi nhận được thông báo “Bạn đã gửi bài thi thành công” trên phần mềm cuộc thi.
Thời gian tối đa mỗi lượt thi là 20 phút (thời gian được tính kể từ thời điểm người dự thi bắt đầu vào thi đến thời điểm bấm nút nộp bài thi). Số lượng câu hỏi trong một lượt thi là 20 câu hỏi (19 câu trắc nghiệm được lựa chọn ngẫu nhiên từ bộ đề của BTC và 01 câu dự đoán số lượng người trả lời chính xác tất cả các câu trắc nghiệm của cuộc thi).
Người dự thi được tham gia tối đa 03 lần thi. BTC Cuộc thi sẽ lấy kết quả thi cao nhất trong các lần thi của thí sinh để tính điểm xét giải. Cách tính điểm được xác định theo thứ tự ưu tiên sau: Người có số câu trả lời đúng nhiều nhất. Người có thời lượng hoàn thành bài thi ít nhất tại lượt thi được xét (được tính trong trường hợp có nhiều người có cùng số câu trả lời đúng). Người có thời điểm nộp bài sớm nhất tại lượt thi được xét (được tính trong trường hợp có nhiều người có cùng số câu trả lời đúng và có thời gian hoàn thành bài thi như nhau). Người dự đoán đúng hoặc gần đúng nhất câu hỏi dự đoán số lượng người trả lời đúng tất cả các câu trắc nghiệm (được tính trong trường hợp có nhiều người có cùng số câu trả lời đúng, có cùng thời gian hoàn thành bài thi và cùng thời điểm nộp bài thi).
BTC sẽ trao 11 giải, gồm có 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích. Người đạt giải là người có số điểm thi theo thứ tự từ cao , xuống thấp (theo cách tính điểm tại mục 3.4 phần II Thể lệ Cuộc thi) cho đến khi chọn đủ số lượng giải theo quy định của Thể lệ.
Người đạt giải được BTC Cuộc thi cấp Giấy chứng nhận kèm theo hiện vật (nếu có) và mức giải thưởng như sau: 01 Giải Nhất: 6 triệu đồng/giải; 02 Giải Nhì: 3 triệu đồng/giải; 03 Giải Ba: 2 triệu đồng/giải; 05 Giải Khuyến khích: 1 triệu đồng/giải.
Các hành vi bị cấm gồm: nhờ người khác thi hộ; sử dụng thông tin cá nhân không chính xác so với thực tế để tham gia dự thi; cung cấp thông tin cá nhân để người khác sử dụng tham gia dự thi; dùng các biện pháp kỹ thuật can thiệp vào hệ thống làm ảnh hưởng hoặc sai lệch kết quả bài thi. BTC cuộc thi sẽ không công nhận và hủy kết quả thi của người dự thi nếu phát hiện người dự thi có một trong các hành vi vi phạm trên.
Trường hợp có khiếu nại liên quan đến cuộc thi, người khiếu nại gửi văn bản đến BTC Cuộc thi để xem xét, giải quyết khiếu nại trước khi tiến hành trao giải thưởng. Quyết định giải quyết khiếu nại của BTC cuộc thi là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành.
Thông tin về cuộc thi được đăng tải trực tiếp tại website http://moj.gov.vn/cuocthitructuyen. Thường trực BTC cuộc thi: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội).
Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” là cuộc thi nhằm mục đích thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 cũng như nâng cao hiểu biết về pháp luật, đổi mới, đa dạng hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
HÀ PHƯƠNG